DetailController

Tin từ các đơn vị

Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) tỉnh Hòa Bình năm 2024

10/06/2024 11:01
Ngày 05/6, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Hòa Bình năm 2024

Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2024; tập trung vào các nội dung có điểm số thấp, chưa được cải thiện, phấn đấu chỉ số (PAPI) năm 2024 đạt kết quả tốt nhất. Đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng điều hành quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp; phát hiện các vướng mắc, hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh, bổ sung, góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ cá nhân, tổ chức ngày càng tốt hơn. Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cũng như cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về các nội dung nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công.

Yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 và triển khai đồng bộ với Kế hoạch CCHC tỉnh năm 2024. Quán triệt, phổ biến và triển khai hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", qua đó góp phần nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024. Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị về mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và của từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc nâng cao Chỉ số PAPI. Chủ động nắm bắt các yêu cầu và kịp thời giải quyết các vướng mắc, ý kiến, kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, của tổ chức và cá nhân.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, phân tích kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Các Sở: Nội vụ; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Tài chính; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; Công an tỉnh chủ trì, tham mưu các Chỉ số nội dung, Nội dung thành phần: Căn cứ Biểu giao nhiệm vụ kèm theo Kế hoạch, chủ động tham mưu xây dựng các Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chủ động triển khai thực hiện. Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra về chuyên môn theo ngành dọc đối với các cơ quan trong tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các Chỉ số nội dung, Nội dung thành phần được phân công tại Phụ lục giao nhiệm vụ. Tổng hợp, xây dựng báo cáo chuyên đề hàng năm về kết quả thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số nội dung, Nội dung thành phần được phân công tại Phụ lục Chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hòa Bình năm 2024, đảm bảo thời gian và chất lượng.

Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến nội dung của Kế hoạch này tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở các nội dung của Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình địa phương, chủ động triển khai thực hiện theo nhiệm vụ và thẩm quyền; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp xã trong việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra thực hiện giải quyết TTHC tại cấp xã. Đẩy mạnh hoạt động giám sát thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết TTHC ở cấp xã; tăng cường thực hiện các quy định của Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở... Nâng cao hiệu quả các cuộc đối thoại với người dân, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ, tăng cường kiểm tra đột xuất tại các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chuyên đề theo ngành, lĩnh vực của địa phương theo đề nghị của các ở, ngành. Thực hiện xây dựng "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ" và quyết tâm thực hiện các khẩu hiệu 5 biết: “Biết nghe dân nói; biết nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi; biết cảm ơn”; 4 thể hiện: “Tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân”; 3 không: Không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc”. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chỉ số PAPI năm 2024 tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý./.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)