DetailController

Quốc phòng - An ninh

Bộ Tư pháp triển khai công tác năm 2020

24/12/2019 00:00

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Năm 2019, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu. Bộ Tư pháp đã thẩm định 26 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 354 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Toàn Ngành thẩm định 6.606 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung rà soát được 40.304 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó kiến nghị xử lý đối với 7.692 văn bản. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống THADS được quan tâm, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; đã tiếp nhận 8.857 đơn, với 6.122 việc; qua phân loại, có 3.205 việc thuộc thẩm quyền; giải quyết xong 3.087 việc, đạt 96,32%. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Năm 2020, ngành Tư pháp đề ra 13 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm với 11 nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực: Xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, báo chí, xuất bản; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác Tư pháp năm 2019; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác của toàn ngành Tư pháp năm 2019. Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; năm bứt phá hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành Tư pháp cần phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân dự, thi hành án hành chính. Tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ./.