Nghiên cứu mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp
Luật Bảo hiểm y tế đến nay đã trải qua 15 năm thi hành và thực sự đi vào cuộc sống với 93,628 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tăng 0,15% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 68 năm 2022 của Quốc hội. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của một trong số những chính sách an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai còn một số bất cập khó khăn. Do vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết để kịp thời đồng bộ với các Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình với việc dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng “người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các xã này được xác định không không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm tế. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ”.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì giai đoạn 2021 - 2025 có khoảng 5,3 triệu người không được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó khoảng 3,6 triệu người dân tộc thiểu số không có bảo hiểm y tế. Kể từ tháng 12.2023, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP thì đã có 1,5 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng.
Tuy nhiên, theo Nghị định 75 thì đối tượng trên cũng chỉ được hỗ trợ trong thời gian 36 tháng, tức là đến tháng 11 năm 2026 sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Và tới đây, dự kiến có khoảng 600 nghìn người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng II, III trong giai đoạn tiếp theo, như vậy có khoảng 2,1 triệu người dân tộc thiểu số sẽ không được hỗ trợ chính sách BHYT. Vì vậy, việc dự thảo đưa vào nội dung này là cần thiết. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu mức đóng phù hợp với đối tượng trên, bảo đảm không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành.
Đại biểu Ngọc cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay, còn một đối tượng cần phải được bổ sung vào quy định được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế đó là người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng CT229. Với nhiệm vụ cũng như trách nhiệm người dân nơi đây phải thực hiện đối với đất nước, đại biểu đề nghị quy định bổ sung người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế ngay trong dự thảo Luật sửa đổi này.
Đánh giá khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ bảo hiểm y tế
Về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế quy định tại Điều 21 gồm 10 khoản chi phí “chi phí cho sử dụng máu, chế phẩm máu, thuốc, thiết bị y tế, khí y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh”. Đồng thời, giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với 3 nội dung gồm thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế. Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, cần làm rõ căn cứ cũng như quy định tối đa, tối thiểu về tỷ lệ thanh toán người tham gia được bảo hiểm y tế chi trả để bảo đảm quyền lợi và tính minh bạch trong phạm vi hưởng của người tham gia.
Liên quan đến mức hưởng bảo hiểm y tế tại Điều 22, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã mở rộng khá nhiều quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và rất nhiều nội dung đề xuất được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (cả nội trú và ngoại trú). Nhất là trường hợp người bệnh được tự đến cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thật kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế và khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ khi bổ sung khá nhiều mức hưởng bảo hiểm y tế như dự thảo Luật.
Rà soát, điều chỉnh giữa Luật Dữ liệu và các văn bản quy phạm pháp luật
Cũng tại phiên thảo luận, góp ý vào dự án Luật Dữ liệu, ĐBQH Đặng Bích Ngọc khẳng định, Dự thảo Luật đã tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng còn vướng mắc trong thực tiễn hiện nay như: hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất; thiếu đầu tư đồng bộ, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự được quản lý, kiểm soát; khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ… Tuy nhiên, cần rà soát, điều chỉnh giữa Luật Dữ liệu và các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện.
Ngoài ra, theo đại biểu, trong quan điểm xây dựng Luật đã xác định ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết, do vậy việc bảo vệ dữ liệu là đặc biệt quan trọng nhất là đối với dữ liệu lớn. Hiện tại, trong dự thảo Luật có rất nhiều nội dung có yêu cầu phải bảo vệ dữ liệu, do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thuật ngữ “Bảo vệ dữ liệu” vào Điều 1 của dự thảo để bảo đảm quy định các biện pháp, giải pháp bảo vệ dữ liệu.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), đại biểu Ngọc cho rằng, tại các khoản 3,4,5 và khoản 6, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bố cục lại cho hợp lý vì hiện nay có nhiều nội dung được quy định trùng lặp. Như vậy sẽ bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ trong văn bản Luật./.