DetailController

Chính trị

Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023

05/01/2023 00:00
Ngày 04/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Năm 2022, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như các giải pháp ứng phí kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đã đưa ra các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội, qua đó góp phần tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển kinh tế. Ước cả năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát dược kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%) Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai thực hiện…

Tại hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành và địa phương đã đánh giá làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, qua đó đề xuất các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá toàn diện và ghi nhận những kết quả ngành Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được trong năm 2022. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2023: Cần tập trung làm tốt công tác tham mưu chiến lược đưa ra khuyến nghị, chính sách để cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chuyên đề, đề án, báo cáo, đảm bảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ vững chắc. Tham mưu, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bám sát xu thế lớn, có cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp…Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động nội lực và tranh thủ ngoại lực. Phân bổ nguồn lực Nhà nước hiệu quả, tránh dàn trải. Công tác chuyển đổi số, thống kê gắn với công tác truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện các chính sách. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu mối liên Chính phủ với Lào và Campuchia, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao. Chủ động, tích cực phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch, chương trình đảm bảo chặt chẽ, nhịp nhàng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…/.