DetailController

Văn hóa

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

02/11/2022 00:00
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của tỉnh.
Bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vào phát triển du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng bộ hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Thực hiện các bước tiến tới tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tổ chức 02 lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể gồm Kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường Hòa Bình và Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho 95 học viên. Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mai Châu. Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tổ chức khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại (xã Tân Lập) và thám sát tại di tích Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú) huyện Lạc Sơn. Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu và thẩm định, xin ý kiến, thông báo ý kiến một số dự án tu bổ, tôn tạo tại 15 điểm di tích thuộc các huyện: Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 03 di tích cấp tỉnh; lập 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đề xuất nhiệm vụ thực hiện Dự án 06 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi. Tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 08-ĐA/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025”. Triển khai các hoạt động hỗ trợ cho Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình; tăng cường các nội dung số hóa và đăng bài trên Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh.

Tổ chức các hoạt động quảng bá như: Duy trì trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh với các chuyên đề “Tỉnh Hòa Bình 135 năm xây dựng và phát triển”; "Trung đoàn 52 Tây tiến"; “Sưu tập tranh thờ cổ và hiện vật văn hóa do nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao tặng tỉnh Hòa Bình”. Thực hiện kiểm kê khoa học hiện vật, phục dựng trống đồng phục vụ cho công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học. Tổ chức Phiên chợ vùng cao năm 2022 với chủ đề "Hội tụ và lan toả” - sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng SEA Games 31, gắn với quảng bá bản sắc văn hoá, con người Hòa Bình. Lễ đón nhận Bằng công nhận 02 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh Hòa Bình: Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022; Hội thảo quốc gia Kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền “Văn hóa Hòa Bình” 1932 - 2022,...

Các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, nghiên cứu và đầu tư, phục dựng từng bước phát huy hiệu quả; công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa được triển khai đúng quy định; nhiều đề tài nghiên cứu, bảo lưu văn hóa phi vật thể các dân tộc được triển khai thực hiện; việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được các địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc,... Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị về văn hóa, lịch sử và khoa học phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Bên cạnh đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua các biểu tượng, khuôn mẫu và các hình tượng nghệ thuật; biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán đả kích những thói hư, tật xấu thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tuyên truyền, giáo dục nhân cách con người qua môi trường giáo dục của gia đình truyền thống, thông qua các giá trị thẩm mỹ, xây dựng con người phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ và nhân cách,... Các hình thức tuyên truyền được triển khai rộng rãi tới mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, nhằm phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và phát huy những giá trị đạo đức, nhân văn trong nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về các di tích, danh thắng, các hoạt động văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Tỉnh ủy gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh. Thu hút tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.