DetailController

Văn hóa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Đề án sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020

01/12/2022 00:00
Ngày 29/11/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 14 – ĐA/TU về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020.

Theo đó, công trình Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 dự kiến được nghiên cứu, trình bày thành 4 tập: Lịch sử tỉnh Hòa Bình, tập 1: Từ khởi thủy (điểm nhấn là Văn hóa Hòa Bình) đến thế kỷ X. Lịch sử tỉnh Hòa Bình tập 2: Hòa Bình từ thế kỷ X đến năm 1886 (Hòa Bình từ khi đất nước giành độc lập đến khi thực dân Pháp xâm lược).  Lịch sử tỉnh Hòa Bình tập 3: Hòa Bình từ năm 1886 đến năm 1945. (Hòa Bình từ khi thực dân Pháp chiếm đóng đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập). Lịch sử tỉnh Hòa Bình tập 4: Hòa Bình từ năm 1945 đến 2020. (Hòa Bình cùng cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tiến hành công cuộc đổi mới quê hương, đất nước). Kết quả nghiên cứu của Đề án là tập bản thảo Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 được trình bày dưới hình thức một công trình chuyên khảo, đạt các tiêu chí: Về hình thức: Công trình gồm 4 tập, mỗi tập bao gồm các chương về nội dung và các phần Mở đầu, Tài liệu tham khảo, Phụ lục. Bản thảo của mỗi tập có dung lượng khoảng 350 đến 400 trang A4 (cỡ chữ 14, giãn dòng 18pt), đảm bảo các chuẩn mực trong trình bày và trích dẫn tài liệu. Về chất lượng nội dung: Công trình đạt chất lượng chuyên môn cao; các nội dung nghiên cứu đều được thực hiện và trình bày trong các chương, mục rõ ràng trên cơ sở cấu trúc khoa học, logic để tạo nên một chuyên khảo về lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020, đáp ứng các yêu cầu khách quan, khoa học, toàn diện, thông tin đa chiều, cập nhật và chính xác. Công trình đủ điều kiện cả về nội dung lẫn hình thức để xuất bản phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy, phổ cập, giáo dục truyền thống về lịch sử tỉnh Hòa Bình cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026. Tổng kinh phí cho toàn bộ công trình (4 tập) là 12.100.000.000 đồng.

Cùng với đó, Ban Thương vụ Tỉnh ủy đề ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án: Tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong quá trình tổ chức thực hiện; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thường trực với các ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh để thực hiện Đề án. Đưa nhiệm vụ thực hiện Đề án biên soạn Lịch sử tỉnh Hòa Bình vào danh mục là một trrong những đề án trọng điểm cần hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới kỷ niệm 140 năm thành lập tỉnh (1886- 2026). Đẩy mạnh sự tham gia phối hợp của các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội có liên quan trong việc cung cấp nhân lực, thông tin, nguồn tư liệu, hình ảnh,… Tập trung nguồn lực để thực hiện Đề án. Huy động và tranh thủ sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, nghiên cứu của Trung ương, của tỉnh bạn và địa phương có chuyên môn sâu, có thời gian nghiên cứu, am hiểu về lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đặc biệt cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan đầu ngành về lĩnh vực lịch sử như: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Hán Nôm, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và các cơ quan nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học trong và ngoài nước,…  Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch, biên soạn, xuất bản, bảo quản tài liệu. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nghiên cứu về lịch sử để trao đổi thông tin, tư liệu lịch sử, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu sưu tầm tư liệu lịch sử. Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế về các sự kiện, nhân vật lịch sử.  Nâng cao tinh thần, năng lực cho những người tham gia tổ chức thực Đề án và trực tiếp biên soạn Bộ sách. Tổ chức tham quan, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm với một số cơ quan chuyên môn ở trung ương và các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên tham gia thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, xác minh tư liệu và biên soạn. Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử 14 tỉnh, để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu và tự nguyện tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu, cung cấp, hiến tặng tài liệu, hiện vật, hình ảnh,…phục vụ công tác biên soạn bộ sách.  Đảm bảo đủ kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành; đồng thời vận dụng chế độ chi đặc thù trong việc thực hiện một số nội dung như: Việc khai thác, sưu tầm, xác minh, dịch thuật tài liệu, thẩm định các tư liệu cổ; công tác biên soạn, chỉnh lý dự thảo cuốn sách,… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công việc của Đề án, bộ sách đảm bảo đúng thời gian và tiến độ, chất lượng đề ra; thường xuyên tiến hành sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

Đề án được triển khai góp phần khẳng định và phát huy những giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cụ thể hoá thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng như: Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 45–CT/TU, ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng; Kết luận số 09-KL/TU, ngày 30/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20 –CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề án được triển khai thực hiện góp phần làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động của nhân dân các dân tộc Hòa Bình từ thời tiền sử đến nay; có tác dụng trực tiếp nâng cao trình độ nhận thức về nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, về các nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị; trang bị phương pháp luận khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của đảng bộ; phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc góp phần quan trọng vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là căn cứ khoa học, tin cậy để xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; giúp các ngành rà soát, tổng hợp nguồn tư liệu, kiểm tra lại những điều đã đánh giá, phát hiện những cái mới và nghiên cứu giải đáp một cách thoả đáng, có căn cứ khoa học về những vấn đề thuộc lĩnh vực của lịch sử.