DetailController

Chính trị

Ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

01/02/2023 00:00
Ngày 30/01/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy chế số 11 – QC/TU, về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo đó, Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế làm việc số 01-QC/TU ngày 07/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy và Quyết định số 223-QĐ/TU, ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án đầu tư quan trọng xin chủ trương Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

          Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quyết định chương trình làm việc và chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm; Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết của Tỉnh ủy. Căn cứ nội dung, tính chất của từng lĩnh vực, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra nghị quyết hoặc kết luận để lãnh đạo thực hiện. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm. Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm các chủ trương, mô hình mới theo chỉ đạo của Trung ương. Định hướng hoặc quyết định theo thẩm quyền những vấn đề về xây dựng Đảng, công tác tổ chức và cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật. Định hướng đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch dài hạn và trung hạn, quy hoạch tỉnh. Cho chủ trương những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, cấp bách, mới nảy sinh về kinh tế - xã hội, ngân sách, phát hành trái phiếu địa phương, về quốc phòng, an ninh, các chương trình, dự án trọng điểm về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế đối ngoại,...; chủ trương đầu tư các dự án đặc biệt quan trọng của địa phương; các chương trình, đề án, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (dự án đầu tư công nhóm A) trước khi triển khai thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định. Cho ý kiến về quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính hoặc thành lập, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. Cho ý kiến về kế hoạch tài chính 05 năm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, kế hoạch phát triển kinh tê - xã hội hằng năm. Xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách quý, 6 tháng và hằng năm của tỉnh; định hướng phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới…

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định triệu tập hội nghị Tỉnh ủy; chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình, báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận trình hội nghị Tỉnh ủy về những vấn đề thuộc thẩm quyền quy định tại Điều 1 Quy chế này. Chủ động đề xuất những vấn đề lớn, quan trọng của địa phương trình Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Quyết định chương trình, kế hoạch công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy và của Trung ương. Tổ chức thực hiện thí điểm mô hình mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Lãnh đạo cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức, cán bộ. Những vấn đề quan trọng, nhạy cảm cấp bách, mới nảy sinh thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể ra nghị quyết hoặc kết luận để lãnh đạo. Quyết định hoặc cho chủ trương, định hướng, biện pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp trên địa bàn, nhất là các tình huống đột xuất liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, dân tộc, tôn giáo,...Định hướng hoạt động công tác nội chính, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, tư pháp, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; lãnh đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo quy định. Lãnh đạo, chỉ đạo tài chính, tài sản của đảng bộ theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia ý kiến trong việc xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là những vấn đề có liên quan đến địa phương. Quyết định những vấn đề quan trọng khác do các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc đề nghị; thực hiện các nhiệm vụ khác do Trung ương và Tỉnh ủy giao. Ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy thực hiện một số công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.