Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Đoàn kiểm tra số 3 đã công bố Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, Kế hoạch kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình trong thời gian qua. Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh sau 2 năm đã đi vào nề nếp; cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, triển khai và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh: Công tác phối hợp giữa các cơ quan để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án luôn được Ban Chỉ đạo Trung ương đặc biệt chú trọng. Để việc kiểm tra đạt kết quả, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và các điều kiện để Đoàn kiểm tra làm việc trên tinh thần công tâm, khách quan, với tinh thần xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trong thời gian tới. Đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu thông qua kiểm tra để nắm bắt tình hình, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và kết quả thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của các cơ quan chức năng. Từ đó, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện cơ chế phối hợp./.