DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Bài phát biểu tại hội trường của đại biểu Nguyễn Thanh Hải

01/11/2016 00:00
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Thưa Quốc hội,
Tôi xin phát biểu ý kiến đóng góp cho Báo cáo số 496 của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Qua nghiên cứu nội dung báo cáo toàn văn 41 trang và 14 trang phụ lục kèm theo, nhìn chung tôi nhất trí với các đánh giá về kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự và hành chính năm 2016 của Chính phủ cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, với mong muốn hoàn thiện hơn nữa chất lượng của bản báo cáo tôi xin tham gia đóng góp một số vấn đề cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất, liên quan tới tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác thi hành án dân sự và công tác thi hành án hành chính được đề cập trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày sáng nay.

Ngày 04/12/2014, tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015 đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá về những tồn tại và yếu kém trong công tác thi hành án dân sự năm 2014, đó là số việc và số tiền chưa thi hành được chuyển sang năm 2015 còn ở mức cao, tình trạng chấp hành viên, cán bộ thi hành án vi phạm pháp luật thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, tình trạng nợ đọng quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cần sớm được khắc phục. Cần có các biện pháp tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài gây bức xúc trong xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và người dân.

Có thể nhận thấy tất cả những tồn tại, yếu kém trong công tác thi hành án dân sự của năm 2014 đã được chỉ ra từ gần 2 năm trước đây thì hôm nay, lại được lặp lại gần như nguyên vẹn tại báo cáo công tác thi hành án năm 2016 từ trang 12 đến 14 trong báo cáo toàn văn. Trong đó những tồn tại như số tiền và số việc có điều kiện thi hành phải chuyển sang kỳ sau còn lớn, số công chức bị vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp có dấu hiệu gia tăng, năm 2015 là 82 người thì năm 2016 là 96 người.

Vấn đề tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật còn chậm, tiếp tục lại được nhắc tới trong báo cáo. Điều này làm tôi hết sức băn khoăn và một câu hỏi đặt ra với tôi là tại sao sau gần 2 năm mà những tồn tại, hạn chế lại chậm được khắc phục, thậm chí có những hạn chế còn có dấu hiệu gia tăng, như số lượng cán bộ vi phạm pháp luật bị xử lý, phải chăng là do ta chưa tìm được đúng nguyên nhân nên có thể chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém nêu trên, các yếu kém lại tiếp tục được lặp lại tại bản báo cáo năm nay. Nếu chúng ta không phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc các nguyên nhân này thì rất có thể các hạn chế này lại tiếp tục gia tăng và tiếp tục xuất hiện trong các báo cáo của năm 2017 và các năm tiếp theo. Vì như câu ví von của người xưa "ngứa vai thì lại gãi lưng" thì không thể giải quyết dứt điểm được vấn đề.

Qua nghiên cứu báo cáo có thể lấy được một ví dụ tại phần đánh giá nguyên nhân liên quan đến hiện tượng công chức thi hành án vi phạm pháp luật có dấu hiệu ra tăng. Báo cáo chỉ đánh giá nguyên nhân bằng một câu rất chung chung: "do năng lực và trình độ cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ"; đồng thời, báo cáo không chỉ ra bất kỳ một nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục tình trạng nghiêm trọng này mà theo tôi hoàn toàn chưa thỏa đáng.

Ở đây, cần lưu ý theo báo cáo Phụ lục số 9 có 31/ 96 chiếm 32% cán bộ thi hành án bị thi hành các hình thức kỷ luật có chức vụ từ chi cục phó và chi cục trưởng, các chi cục thi hành án cấp huyện do vậy rất khó có thể cho rằng nguyên nhân là do năng lực và trình độ. Việc đánh giá nguyên nhân như trên theo tôi chưa sát với thực tiễn, vì nhiều cán bộ bị kỷ luật là người đang có chức vụ nên nguyên nhân do năng lực trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, liệu có phải là nguyên nhân chính hay còn có những nguyên nhân nào khác không. Việc không xác định được đúng các nguyên nhân dẫn đến không giải quyết dứt điểm được những hiện tượng tiêu cực này.

Ngoài ra, theo tôi để giảm số lượng thi hành án vi phạm pháp luật cần đặc biệt quan tâm tới công tác phòng ngừa răn đe đối với những cán bộ công chức, tuy chưa phát hiện được sai phạm tiêu cực nhưng có nhiều dư luận hoặc các biểu hiện không tốt cũng cần có biện pháp thay đổi vị trí công tác để thử thách cho đảm bảo tính khách quan, minh bạch của công tác cán bộ. Bên cạnh đó, việc chậm ban hành các văn bản pháp luật liên quan cũng là nguyên nhân dẫn tới số lượng án tồn đọng lớn, chồng chéo trong công tác thi hành án, tạo nên kẽ hở để những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức có cơ hội trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của người dân. Tồn tại này cũng liên tục được nhắc tới trong các báo cáo của ngành trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, cũng chưa thấy báo cáo kỳ này nêu cụ thể những văn bản nào bị chậm ban hành, trách nhiệm thuộc về tổ chức hay cá nhân nào và tồn tại này hoàn toàn không thấy nêu các giải pháp khắc phục cụ thể nào.

Đứng trên góc độ dân nguyện, qua theo dõi đơn thư và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, tôi nhận thấy hiện tượng cán bộ thi hành án vi phạm pháp luật không những chỉ gây mất uy tín trong ngành nói riêng mà còn ảnh hưởng tới lòng tin của người dân đối với hệ thống pháp luật, đôi khi còn gây ra tâm lý hoang mang trong một bộ phân nhân dân. Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu sắc hơn nữa nguyên nhân của hiện tượng này. Từ đó chấm dứt hoàn toàn tình trạng này trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai liên quan đến quyền kiểm sát thi hành án dân sự của Viện Kiểm sát.

Kể từ ngày 1/7/2015 Luật thi hành án dân sự năm 2014 (sửa đổi) đã có hiệu lực, trong đó có một số điểm mới quy định chi tiết về quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án tại Khoản 2, Điều 12 của luật sửa đổi, bổ sung. Sự có mặt của Viện kiểm sát, đại diện Viện kiểm sát nhân dân là thực hiện chức năng kiểm sát chứ không phải lực lượng tham gia vào hoạt động tổ chức thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự các cấp như trước đây. Như vậy, việc tham gia của Viện Kiểm sát để kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật trong công tác thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, của chấp hành viên, của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhằm đảm bảo việc thi hành án được kịp thời và đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên đương sự. Theo tôi, đây chính là một giải pháp khá quan trọng góp phần giảm thiểu số lượng án tồn đọng, chưa được thi hành vì việc thực hiện quyền kiểm sát cũng như trách nhiệm của đại diện Viện Kiểm sát trong thi hành án lần đầu tiên đã được quy định một cách chi tiết, cụ thể và rõ ràng.

Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối không hề đề cập cũng như không đánh giá tác động gì đối với quy định mới này. Theo tôi, báo cáo nên cân nhắc phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa, toàn diện hơn nữa về trách nhiệm thực hiện quyền kiểm sát trong thi hành án dân sự của Viện Kiểm sát để từ đó phát huy được những mặt tích cực, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, nợ đọng án cũng như khiếu nại tố cáo trong công tác thi hành án. Xin hết./.