Công tác bảo đảm an toàn gia thông ở tỉnh ta năm 2010 được đánh giá là có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động giao thông được đảm bảo an toàn trên khắp các tuyến đường trong tỉnh. Không có hiện tượng chống lại người thi hành công vụ, các cuộc tụ tập nhen nhóm đua xe trái phép được kịp thời ngăn chặn kịp thời.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở nên tai nạn giao thông giảm 19 vụ so với năm 2009. Toàn tỉnh xảy ra 145 vụ tai nạn giao thông làm 122 người chết, 129 người bị thương. Con số này đem so sánh với số km đường không tăng và số phương tiện tăng chóng mặt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, tính mạng con người là vô giá nên vẫn là con số nhức nhối, đau lòng. Loại phương tiện gây tai nạn giao thông vẫn là môtô với 82/145 vụ. Thời gian hay xảy ra tai nạn nhất là tầm 18h đến 24h. Nguyên nhân chủ yếu vẫn được xác định là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Nhiều người điều khiển ôtô, môtô khi bị CSGT dừng xe kiểm tra hay trong các vụ tai nạn đều biết là mình đi như vậy là sai. Thế nhưng, biết sai mà vẫn đi nên gặp tai nạn là điều khó tránh khỏi. Đây là nghịch lý trong giao thông ở tỉnh cũng như ở nước ta. Theo số liệu thống kê, phân tích của Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho thấy có 87% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Các lỗi thường gặp là đi không đúng phần đường,vi phạm tốc độ, vi phạm quy tắc tránh vượt, uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện... Riêng về lỗi tốc độ, hiện nay, trước khi vào khu vực hạn chế tốc độ ngoài biển báo về tốc độ quy định cụ thể cho từng loại phượng tiện, ngành Giao thông còn đặt thêm biển phụ thông báo với nội dung “Lái xe chú ý đoạn đường thường xuyên kiểm tra tốc độ”. Vậy mà vẫn rất nhiều người điều khiển môtô, ôtô vi phạm. Điều đó chứng tỏ ý thức chấp hành Luật giao thông của họ quá kém. Có lẽ cần phải có chế tài mạnh hơn khi xử lý những trường hợp vi phạm này. Trên các tuyến đường bộ trong tỉnh cũng còn nhiều trường hợp thanh - thiếu niên điều khiển môtô không đội mũ bảo hiểm và ngày càng nhiều xe đạp điện tham gia giao thông. Loại phương tiện này đạt tốc độ từ 30 - 40 km/h, tập trung chủ yếu ở thành phố Hòa Bình và các thị trấn huyện. Người điều khiển chủ yếu là các em học sinh và các cụ cao tuổi, nhưng hầu như không ai đội mũ bảo hiểm, đi lại thường không đúng phần đường nên tiềm ẩn tai nạn.
Những nguyên nhân khách quan của tai nạn giao thông được xác định do sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh đã xuất hiện các “điểm đen” về tai nạn giao thông. Độ siêu cao của đường, tầm nhìn, độ nhám mặt đường không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã xuống cấp nghiêm trọng, lòng đường nhỏ, mặt đường gồ ghề cũng góp phần gây tai nạn giao thông. Trong năm qua, hệ thống đường bộ được làm mới không đáng kể,chỉ có các dự án cải tạo sửa chữa, nâng cấp. Mà các đơn vị thi công chưa chú trọng đến việc bảo đảm an toàn cho phương tiện qua lại khi đường vừa thi công vừa khai thác giao thông. Trong khi đường sá không phát triển số lượng phương tiện lại tăng quá nhiều. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.018 ôtô, 119.494 môtô đăng ký mới, nâng số ôtô có hồ sơ quản lý tại phòng CSGT lên 8.126 chiếc và môtô 182.464 chiếc. Đó là chưa kể số ôtô, môtô chưa đăng ký, xe chuyển vùng mua bán chưa làm thủ tục sang tên. Qua thống kê đó cho thấy, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao cộng với ý thức của người tham gia giao thông kém, việc xảy ra tai nạn là điều đương nhiên.
Cùng với nỗ lực của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông cũng đã có nhiều cải tiến trong thanh, tra kiểm tra an toàn giao thông. Lực lượng đã phối hợp với chính quyền địa phương dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lề đường, lòng đường, vỉa hè làm cản trở giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông và các phương tiện đỗ, dừng không đúng quy định.
Đó là những nỗ lực vì sự an toàn trên mỗi tuyến giao thông. Nhưng để giao thông thực sự an toàn còn cần sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng hơn nữa giữa các cơ quan chức năng, cả ý thức chấp hành tốt các quy định của người tham gia giao thông.