Cuộc điều tra thống kê phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010 được tiến hành từ 0 giờ ngày 1/6/2010. Công tác thu thập số liệu được thực hiện trong 30 ngày.
Theo đánh giá của bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê thưưong mại dịch vụ Tổng cục Thống kê, đây là cuộc điều tra có phạm vi rộng, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, thu thập thông tin đến từng hộ gia đình, từng thôn, bản của 63/63 tỉnh, thanh phố của cả nước với 132.392/132.392 thôn, tổ dân phố (trong đó có 20.104.583 hộ gia đình và 80.540.819 nhân khẩu) tham gia.
Cùng với đó là 14 doanh nghiệp viễn thông, Internet có hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ được điều tra thống kê. Đây vốn là những doanh nghiệp chiếm đại đa số thị phần dịch vụ viễn thông, Internet của cả nước. Các đài phát thanh của trung ương và địa phương.
Các quân nhân, lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, sinh viên sống trong các khu ký túc xá, công nhân, lao động sống trong các khu công nghiệp tập trung, người không có nơi ở ổn định tại thời điểm điều tra không thuộc đối tượng điều tra lần này.
Để thực hiện các công việc điều tra thống kê, các chính quyền địa phương trên cả nước đã huy động hơn 250.000 người.
Theo kết quả cuộc điều tra này, cả nước có hơn 8,3 triệu hộ gia đình có điện thoại cố định (gồm cả loại có dây và không dây), chiếm tỷ lệ gần 42% tổng số hộ gia đình. Số lượng hộ gia đình ở khu vực thành thị có điện thoại cố định là trên 3,4 triệu hộ, chiếm khoảng 61%; tỷ lệ này ở khu vực nông thôn đạt hơn 34%.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định với 65%. Tiếp sau đó là đến Quảng Ninh với 60% rồi mới tới Hà Nội, có 59% hộ gia đình có điện thoại cố định.
Riêng điện thoại di động, theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam đang có hơn 30,2 triệu người sử dụng dịch vụ, chiếm 37,5%. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động là trên 11,2 triệu người, đạt 49,5%; còn với khu vực nông thôn, có gần 33% người dân dùng điện thoại di động.
Đi đầu trong cả nước về số người trong hộ gia đình sử dụng điện thoại di động là Bình Dương với 57%. TP. Hồ Chí Minh “về” nhì với 54%, tiếp đó là Đà Nẵng với 47%.
Điều tra thống kê cũng cho thấy, trên toàn quốc có hơn 2,5 triệu hộ gia đình có máy tính cá nhân, đạt 12,6%. Tổng số máy tính tại các hộ gia đình là trên 3,1 triệu máy, trong đó khu vực thành thị chiếm 69,4% và khu vực nông thông chiếm 30,6%. Cả nước có trên 1,6 triệu hộ gia đình nối mạng Internet, đạt hơn 8%. Với khu vực thành thị, tỷ lệ hộ gia đình nối mạng Internet chiếm khoảng 22%; còn ở khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ đạt 2,6%.
Về phổ cập dịch vụ nghe, nhìn tại hộ gia đình, báo cáo tổng hợp kết quả điều tra thống kê nêu rõ, cả nước có khoảng2,1 triệu hộ gia đình có máy thu thanh, chiếm 10,7%. Tỷ lệ hộ gia đình có máy thu thanh ở khu vực thành thị đạt 10,2% và tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 10,9%.
Số lượng hộ gia đình có tivi trên toàn quốc là hơn 18 triệu hộ, chiếm trên 90%. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng anten chảo, anten dànvà truyền hình cáp lần lượt là 18%, trên 69% và 14,1%.
Đánh giá về kết quả cuộc điều tra thống kê dịch vụ viễn thông, Internet và nghe-nhìn toàn quốc năm 2010, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Ban chỉ đạo Cuộc điều tra cho hay, mặc dù thời gian triển khai gấp, phạm vi điều tra rộng lớn: từ tỉnh, huyện, xã thôn bản, đến tận người dân và hộ gia đình; tuy nhiên do có phương pháp tổ chức tốt, có sự phối hợp điều phối tích cực, đồng bộ giữa các Bộ, ban ngành ở trung ương và địa phương nên cuộc điều tra thống kê đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.
Hệ thống thông tin thu thập được qua cuộc điều tra vô cùng phong phú, các thông tin, số liệu tổng hợp từ kết quả cuộc điều tra thống kê sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, định hướng chiến lược, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương…
Kết quả cuộc điều tra thống kê đã hình thành được cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử về các thông tin chỉ tiêu phát triển ngành Thông tin và Truyền thông, phục vụ trực tiếp cho việc đánh giá tình hình phát triển ngành trong giai đoạn vừa qua và là sở cứ quan trọng cho việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, triển khai các dự án phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả cuộc điều tra thống kê cũng đã góp phần hình thành CSDL quan trọng về phát triển ngành ở các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhiều mặt ở các địa phương; hình thành CSDL điện tử về hệ thống chính quyền từ cấp trung ương đến cấp xã và tổ chức dân cư cấp dưới cấp xã, thiết lập danh sách các đầu mối thông tin liên lạc tương ứng góp phần từng bước xây dựng và vận hành hệ thống chính phủ điện tử của Việt Nam.