Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bùi Ngọc Dảo cho biết, trong năm học 2013-2014, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 63%. Sở cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ, cộng đồng; tổ chức lồng ghép các nội dung giáo dục an toàn giao thông, giáo dục bảo vệ môi trường, tài nguyên, biển đảo, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục phòng ngừa ứng phó với biến đổi khí hậu vào các nội dung chăm sóc giáo dục trẻ thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Sở đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện kế hoạch đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục; chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá, xếp loại phù hợp đặc điểm tâm sinh lý học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học; dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi...Điều đáng nói là hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, công tác giáo dục dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện “Năm giáo dục vùng khó khăn” phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, nhà trường. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hướng về cơ sở, tập trung vào việc thực hành của giáo viên. Đổi mới sinh hoạt chuyên môn cụm trường, theo môn học, theo hướng tập trung vào học sinh để rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Ngọc Dảo, trong năm học 2014-2015 ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình sẽ phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung các văn bản về quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Triển khai công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương và toàn ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu quản lý thống nhất trong toàn ngành; tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục, xử lý nghiêm, kiên quyết các sai phạm và thông báo công khai trước công luận; tăng cường trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò của tổ chức chính trị, xã hội trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục và đào tạo giải quyết các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội. Quan tâm đầu tư hơn nữa giáo dục vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tập trung đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông vùng dân tộc; nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc và dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục đảm bảo chất lượng; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục mới, tăng cường thiết bị phục vụ rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo tổ chức rà soát, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học, sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng, thiết bị hiện có và mua mới; phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học tại các nhà trường...