DetailController

Giáo dục

Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới

29/09/2015 00:00
Trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên khắp các lĩnh vực. Ngành đã đảm bảo tốt nhất về “Quyền được giáo dục, học tập của trẻ em”. Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và con em các dân tộc trong tỉnh. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Năm 2012, Hòa Bình đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Phấn đấu đến năm 2020, ngành GD&ĐT tỉnh có 98% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo đó, chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên; giáo dục đại trà có bước chuyển biến rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì và nâng cao. Giai đoạn 2010-2015, tỉnh Hòa Bình đã đạt 1.167 giải, trong đó có 38 giải Nhất; 217 giải Nhì; 912 giải Ba và giải Khuyến khích, toàn tỉnh đó có 138 học sinh dân tộc đạt giải. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nguồn lực để phát triển GD&DT được đặc biệt quan tâm, NSNN giao cho giáo dục bình quân trong 5 năm qua  vượt  8,2% so với quy định. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, bộ mặt các nhà trường trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang sạch đẹp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 7.238 phòng học kiên cố chiếm 83,7%; chỉ còn 16,3% phòng học bán kiên cố, đã công nhận 229 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia đạt 32,2%. Toàn ngành có 744 chi, đảng bộ với 10.190 đảng viên đạt tỷ lệ 45% so với tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Trong 5 năm (2010-2015), ngành GD&ĐT Hòa Bình đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, điển hình mới. Các nhà trường tiếp tục duy trì kỷ cương, nền nếp, tạo nên không khí cởi mở, dân chủ; đặc biệt trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2014-2015 (07 năm) liên tục ngành GD&ĐT tỉnh được Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc, tiêu biểu. Đó là những thành tựu hết sức cơ bản trong nhiều năm qua mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và các nhà trường trong tỉnh đã đạt được.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình còn nhiều hạn chế cả về quy mô, cơ cấu, loại hình giáo dục. Chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa đáp ứng kịp những đòi hỏi lớn ngày càng cao về nhân lực của công cuộc CNH, HĐH của đất nước. Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học vẫn còn  thiếu. Thiếu sân chơi bãi tập, phòng học bộ môn, phòng thiết bị, thí nghiệm. Chất lượng giáo dục giữa các vùng chưa đồng đều...

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trong tình hình mới, giai đoạn 2015-2020, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về vị trí, tầm quan trọng, nội dung của đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các Đảng bộ, chi bộ trường học, vai trò tham gia của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cùng sự quyết  tâm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; PCGDTH-CMC; PCGDTHCS, từng bước thực hiện Phổ cập bậc Trung học. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp tổ chức kỳ thi, hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Thực hiện hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Mục tiêu đến năm 2020, ngành GD&ĐT tỉnh phấn đấu có ít nhất 45% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 5%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học, trung học cơ sở là 100% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương.. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt trên 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi đạt trên 99,8 %.