Ngày 21 /10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Thảo luận tại tổ số 6 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố: Hòa Bình,Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên.
Tại phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu nhất trí với báo cáo đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2015. Theo số liệu báo cáo, trong năm 2014: đã có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Bầy tỏ lo lắng trước tình hình nợ công, bội chi ngân sách, nợ xấu tăng cao…, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để giảm nợ công; cắt giảm các khoản chi không cần thiết nhằm tiết kiệm chi ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn vay cho các doanh nghiệp; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển; định hướng tổng thể chiến lược đầu vào, đầu ra cho các doanh nghiệp; thực hiện các chính sách kích cầu cho thị trường bất động sản…
Phát biểu tại tổ, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Việc kiềm chế lạm phát cần phải được phân tích kỹ, hiện nay do sức mua thấp, giá hàng hóa không cao đã là nguyên nhân ảnh hưởng tới sản xuất. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải báo cáo tổng hợp các khoản phải thu về thuế, trong đó phân tích số nợ khó có khả năng thu hồi để có giải pháp đối với việc xử lý các khoản nợ, nếu khó khăn quá nên có biện pháp xóa nợ. Về nợ công: Vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Nợ công tăng 26,2%, con số này chưa đảm bảo, chưa minh bạch. Theo số liệu báo cáo, việc phân tích là chưa đầy đủ cần xem xét và có đánh giá lại con số này. Về việc giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm đến 34%, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25 - 30%, điều này thể hiện sự quản lý thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả không cao, gây lãng phí.
Vấn đề tăng lương: Đại biểu tán thành với việc cần thiết phải tăng lương cơ sở. Trong khi đó Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan đến an sinh xã hội, tuy nhiên vẫn không tính hết đến nguồn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tính toán để xây dựng dự toán cụ thể. Đề nghị giải pháp là giảm tối đa các mục tiêu về chi thường xuyên để tiết kiệm ngân sách tăng lương; Chính phủ có giải pháp quyết liệt để thực hiện được nội dung này, đây là nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Vấn đề quản lý chi đầu tư đã được cải thiện hơn trước. Hiện nay huy động vốn qua hình thức BOT thực hiện tương đối tốt. Đã thực hiện giao BOT là phải giao toàn bộ tài sản cho nhà đầu tư để họ kinh doanh sau đó chuyển giao. Đối với gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ coi như thất bại, số tiền này khó hấp thụ đến với nhân dân. Nếu đánh giá không thấy hiệu quả thì nên bỏ gói hỗ trợ này. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đề nghị có chiến lược, giải pháp riêng để thực hiện. Đề nghị Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương, đặc biệt là tăng đầu tư cho các trường bán trú cho học sinh vùng cao.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua còn vòng vo. Nhiều vụ việc đã xem xét giải quyết theo thẩm quyền nhưng người dân vẫn khiếu nại vượt cấp. Nhiều vụ việc các vị ĐBQH chuyển đơn đề nghị xem xét giải quyết lại vụ việc, gây khó khăn cho các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, như việc thành lập công ty mua bán nợ để mua loại các khoản nợ xấu hiện nay, tuy nhiên căn cứ pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đang thực hiện nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu mà các ngân hàng phải tự lo khoản tiền này. Xuất phát từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh kiến nghị ngành Ngân hàng cần có giải pháp để xử lý nợ xấu. Vì chính xuất phát từ khoản nợ xấu này đã đẩy khó khăn sang cho doanh nghiệp.
Về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn lực dân số vàng của nước ta còn sử dụng kém hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc tái nghèo diễn ra phổ biến. Trong những năm qua, các chính sách ban hành nhiều tuy nhiên nguồn lực không có để thực hiện..Về an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp. Một năm có tới 15 nghìn trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật, điều này là do hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp mạnh. Tình trạng buôn bán ma túy diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh có biên giới.
Đại biểu đề nghị, trong năm 2015 cần có giải pháp đó là: Khơi thông tạo lập thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm thị trường vốn; Tích cực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp quyết liệt; Tích cực cải cách hành chính, hiện nay việc thực hiện cải cách hành chính còn mang tính nửa vời. Tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân; Quản lý chặt chi tiêu công. Không để tình trạng thất thoát, lãng phí như hiện nay; Quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo.
Phát biểu vào kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014 và phương án phân bổ ngân sách năm 2015, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị: Cần làm rõ cơ cấu nợ công và đưa ra các giải pháp xử lý; Đánh giá hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia; Chấn chỉnh kỷ luật tài chính, chống lãng phí. Cân nhắc các khoản chi; Cân nhắc phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay, nhiều chương trình kém hiệu quả; Cần uu tiên bố trí nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn.
Tại tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, về thực hiện chính sách đối với hộ nghèo đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, các chính sách đã được đưa đến nhân dân thụ hưởng, tuy nhiên trong thời gian qua, người dân vẫn chưa thật sự có ý thức vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, rất nhiều chính sách được triển khai, tuy nhiên hiệu quả thấp, các chính sách còn chồng chéo. Đề nghị có chính sách về văn hóa, giáo dục để giúp nhân dân thoát nghèo. Các chính sách nhà nước đưa ra là tốt, tuy nhiên cần quan tâm đến văn hóa của người dân. Hiện nay, có rất nhiều nhóm chính sách, tuy nhiên khi xét hộ nghèo chỉ xét đến tiêu chí thu nhập bình quân là chưa đảm bảo. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo phải được tiến hành một cách đồng bộ. Nếu muốn thoát nghèo bền vững, cần phải hỗ trợ bằng nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ về việc làm, dạy nghề, ….khi thoát nghèo họ vẫn có thu nhập để duy trì cuộc sống, để họ vẫn được hưởng các chính sách của nhà nước để hạn chế tỷ lệ tái nghèo. Cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để thoát nghèo. Đại biểu kiến nghị các chính sách về xóa đói giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực.