Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình khẳng định dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc Quốc hội lựa chọn nội dung này làm chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thông qua giám sát để đánh giá lại những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Qua giám sát thực tiễn từ địa phương cho thấy, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn, cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, cơ bản đã khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, cải cách thủ tục hành chính. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã cơ bản bám sát tình hình thực tiễn tại các địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, quản lý sử dụng tài chính công. Đặc biệt, các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, nhiều công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả, cá biệt có những công trình bỏ không, gây nên sự bất bình trong Nhân dân. Điển hình như dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra và rất quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết khắc phục. Đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn làm giảm niềm tin trong Nhân dân. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi trong cả nước còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Qua giám sát ở các tỉnh, thành phố đều có các dự án, cụm dự án đầu tư và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Thứ hai, việc thực hiện tinh giản biên chế nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn mang tính cơ học, chủ yếu vẫn đang ép giảm về số lượng chưa gắn với việc cơ cấu lại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, có những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại và địa hình còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn thực hiện sáp nhập 2 - 3 xã thành 1 xã, điển hình có những nơi thực hiện sáp nhập 4 xã vào thành 1 xã. Trụ sở làm việc ở những nơi đã sáp nhập thì bỏ hoang, trong khi nơi đặt trụ sở chính thực hiện nhiệm vụ lại chưa đáp ứng điều kiện, không đảm bảo đủ phòng làm việc theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức; có những xã vẫn phải sử dụng trụ sở tại 2 xã cũ, gây khó khăn trong việc đi lại của cán bộ, công chức và người dân; có những nơi trụ sở mới được xây dựng nhưng khi sáp nhập lại bỏ hoang, gây lãng phí, xuống cấp nghiêm trọng. Đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý và giải quyết.
Thứ ba, Công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm triển khai dự án, không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất. Nhiều dự án khi đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai thực hiện, đất đai hoang hóa. Trong khi đó đất sản xuất của người dân ngày càng khó khăn, bị thu hẹp, điều này đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nơi còn chậm, đặc biệt chưa theo đến cùng việc tổ chức thực hiện kết luận gây thất thoát cho việc thu hồi tiền tài sản.
Từ thực trạng trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đã đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Một là, Đề nghị Quốc hội, chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, truy đến cùng trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan kể từ khi có chủ trương đầu tư đến khi kết thúc quá trình đầu tư mà không đưa công trình vào sử dụng được. Vấn đề này đang được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm.
Hai là, Việc xử lý trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập theo Nghị quyết 653/NQ- UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và có giai đoạn để ổn định cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn định mức theo quy định. Có quy định đặc thù về số biên chế đối với những nơi đã thực hiện sáp nhập nhiều xã, từ 3-4 xã, nơi địa bàn khó khăn.
Ba là, Đề nghị Quốc hội trong những năm tới, vẫn tổ chức giám sát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, chậm so với yêu cầu để có chế tài xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin đối với cử tri và Nhân dân.