DetailController

Tin từ các đơn vị

“Khâu đột phá” tạo chiều sâu trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị

04/05/2019 00:00
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương, BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Ngày 15/1/2018, BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 125-KH/TU triển khai khâu đột phá thực hiện Chỉ thị 05, trong đó xác định khâu đột phá cần thực hiện là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị; thực hiện tốt đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân”. Đây được coi là “điểm sáng” trong việc đưa Chỉ thị 05 được triển khai theo chiều sâu trong năm 2018.
Công dân tới thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Trên tinh thần đó, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã triển Chỉ thị 05 với nhều cách làm hay và sáng tạo. Cụ thể: Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-TU, ngày 31/10/2018 về phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã tập trung đổi mới tác phong làm việc, cải cách thủ tục hành chính, nêu cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chống tham nhũng lãng phí đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt người đứng đầu, tạo không khí đồng thuận. Ở cấp xã, phường, thị trấn, các lãnh đạo đã chủ động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, trực tiếp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; từ đó góp phần giải quyết kịp thời vướng mắc ngay tại cấp cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Do đó, ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, Đảng ủy, UBND xã Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn) đã tập trung kiện toàn bộ máy quản lý thực hiện chương trình từ xã xuống cơ sở. Kịp thời kiểm tra giám sát để đôn đốc, chấn chỉnh những tồn tại hạn chế và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng NTM. Đặc biệt công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào chung sức xây dựng NTM trên địa bàn xã nhằm khơi dậy sức dân trong thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng NTM.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Dân Hạ cho biết: Chương trình xây dựng NTM được các xóm đưa vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm, người đứng đầu xóm có trách nhiệm phổ biến, theo dõi địa bàn, kịp thời báo cáo các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện lên ban chỉ đạo (BCĐ) xã. Ban quản lý xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cho từng thành viên. Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để đôn đốc việc thực hiện, nghe phản ánh, báo cáo tình hình thực hiện của các xóm và thành viên BQL, có phương án và giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo kế hoạch, đạt kết quả. Đồng chí Chủ tịch UBND xã đồng thời là trưởng BCĐ xây dựng NTM xã là người chịu trách nhiệm cao nhất, thường xuyên chủ động nắm tình hình, họp BCĐ, bàn bạc thống nhất các nội dung, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đồng thời có trách nhiệm báo cáo, đề xuất với huyện các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tiến độ tại địa phương, xin hướng chỉ đạo, giải quyết. Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị mà xã Dân Hạ đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM đúng theo kế hoạch vào năm 2018.

Được thành lập từ tháng 8/2017, Trung tâm hành chính công tỉnh (nay là Trung tâm phục vụ hành chính công) là đơn vị đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành bố trí cán bộ công chức đến thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn phối hợp giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân. Tới nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc góp phần cải cách nền hành chính của tỉnh. Theo số liệu, tính từ khi thành lập tới hết tháng 2/2019, Trung tâm đã tiếp nhận trên 46.800 hồ sơ TTHC thuộc 22 lĩnh vực, trong đó đã giải quyết trên 43.600 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 93%. Tính liên thông trong giải quyết TTHC được tăng cường, đảm bảo TTHC được giải quyết nhanh gọn, công khai, minh bạch, ngăn chặn, xóa bỏ khâu trung gian; rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm tối đa chi phí thực hiện TTHC.

Đồng chí Vương Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Là đơn vị đầu mối hành chính của tỉnh, Trung tâm xác định việc thực hiện nghiêm văn hóa công sở và xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính, hết lòng phục vụ nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, tận tâm phục vụ và có tính chuyên nghiệp cao được đặc biệt quan tâm chú trọng. Ngoài giám sát đội ngũ cán bộ bằng camera, bảng theo dõi đánh giá, hàng ngày vào cuối giờ hành chính Trung tâm còn thực hiện kiểm tra đánh giá các nội dung thực thi công vụ của từng cá nhân. Các công chức được các cơ quan cử tới Trung tâm làm việc cũng luôn tự đề cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thực hiện tốt trách nhiệm công việc. Bên cạnh đó, hàng tháng Trung tâm thực hiện phát phiếu đánh giá cho các tổ chức, cá nhân tới giao dịch TTHC nhằm lấy ý kiến đánh giá trực tiếp về sự hài lòng của mình đối với việc thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm.

Việc phát phiếu đánh giá được thực hiện và duy trì từ tháng 9/2017 tới nay, đã thu thập được 2.065 phiếu đánh giá của các cá nhân, tổ chức. Trong đó nội dung đánh giá về thái độ của công chức, viên chức khi tiếp nhận và trả kết quả có 2.036/2.065 phiếu đánh giá ở mức độ rất lịch sự, thân thiện, dễ gần, đạt tỷ lệ 98,59%, có 1,40% tỷ lệ phiếu đánh giá giao tiếp bình thường. Đánh giá về chất lượng giải quyết công việc, có 687/2.065 phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC tại Trung tâm là sớm hẹn, đạt tỷ lệ 33,26%, có 1.387/2.065 phiếu đánh giá là đúng hẹn, đạt tỷ lệ 66,73%. Kết quả đánh giá sự hài lòng có 1.777/2.065 phiếu đánh giá ở mức độ rất hài lòng, đạt tỷ lệ 86,05%, có 281/2.065 phiếu đánh giá là hài lòng, đạt tỷ lệ 13,60%, có 7/2.065 phiếu đánh giá là bình thường. Kết quả trên cho thấy không có phiếu đánh giá là không hài lòng; không có ý kiến phản ánh, kiến nghị đánh giá tiêu cực đối với hoạt động của Trung tâm, 100% số người được khảo sát đều hài lòng về việc giải quyết TTHC tại Trung tâm.

Qua hơn một năm thực hiện “khâu đột phá”, nhận thức về nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới việc cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn đã được nâng lên và đi sâu vào cuộc sống. Nhiều địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân vì sự phát triển chung của tỉnh. Điều đó thể hiện khá rõ nét trong những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước thực hiện 8,36%, có 21/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, GRDP bình quân đầu người ước đạt 50,7 triệu đồng. Trong năm có thêm 10 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích NTM lên 61 xã. Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có tiến bộ, đạt 61,73 điểm, tăng 4 bậc so với 2 năm 2016, 2017 và xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ 8/14 tỉnh thành phố khu vực miền núi phía bắc./.