DetailController

Giáo dục

Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2020

01/09/2020 00:00
Đề án "Phát triển giáo dục mầm non mầm non giai đoạn 2019 - 2025" trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể và giải pháp cho giáo dục mầm non thời gian tới. Trong đó, phát triển giáo dục mầm non từ nay đến năm 2025 hướng đến mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp mầm non mục tiêu đến năm 2025, 98,5% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường

Giai đoạn 2019 – 2020, mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 41% trẻ em độ tuổi nhà trẻ và 97,5% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, (trong đó 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi) được ra lớp; tỷ lệ huy động trẻ em đến trường trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 5% trở lên. Duy trì 100% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non ban hành theo Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế.

Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 75% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. Bảo đảm tỷ lệ 01 phòng học/lớp (nhóm); tỷ lệ phòng học kiên cố ít nhất đạt 85%; có ít nhất 44% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Duy trì 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.

Giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất 43,5% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 98,5% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em đến trường trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt từ 10% trở lên. Tiếp tục duy trì 100% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế.

Phấn đấu đến năm 2025, đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 85% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90%. Có ít nhất 80% số trường mầm non được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có ít nhất 48% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác phối hợp  của các ban, ngành, đoàn thể  trong việc thực hiện kế hoạch. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch có lộ trình thực hiện cụ thể, có tính khả thi, đạt mục tiêu kế hoạch. Ưu tiên ngân sách chi cho các hoạt động của giáo dục mầm non trong phạm vi ngân sách được giao theo phân cấp. Khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Đổi mới công tác quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục mầm non. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá của các cấp quản lý giáo dục bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức và giảm tải cho giáo viên mầm non. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục mầm non và trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm tính thống nhất, khách quan, chính xác và kịp thời. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong phát triển nguồn nhân lực.

Chú trọng các giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; phát triển các điều kiện và hoạt động của trường mầm non theo các tiêu chí của trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm mỗi huyện, thành phố đều có quy hoạch chi tiết và dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường/lớp mầm non. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... tham gia phát triển giáo dục mầm non. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư cho giáo dục…