DetailController

Giáo dục

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuộc Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

05/03/2020 00:00
Sáng ngày 5/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới đến hết năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới (WB) được bắt đầu triển khai từ năm 2016 với tổng nhu cầu vốn là 271.960 triệu đồng, trong đó vốn WB là 249.289 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 22.671 triệu đồng. Chương trình được triển khai làm 3 hợp phần gồm: Hợp phần 1: cấp nước nông thôn với tổng kinh phí 217.166 triệu đồng; Hợp phần 2 vệ sinh nông thôn với tổng kinh phí là 32.833 triệu đồng; Hợp phần 3 nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình, tổng kinh phí là 21.960 triệu đồng.

Theo báo cáo đánh giá, tới nay đã có trên 168.635 triệu đồng được chuyển về tài khoản, phân bổ cho 3 ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo để triển khai chương trình. Tuy nhiên mới giải ngân được hơn 60.952 triệu đồng, đạt 36,14%, như vậy tiến độ là rất chậm. Cụ thể: các hoạt động về đầu tư xây dựng TYT do Sở Y tế làm chủ đầu tư triển khai chậm, chưa có công trình nào được hoàn thành (0/85); Sở NN&PTNT mới thực hiện đấu nối nuớc sinh hoạt tới được 5.763/13.800 hộ dân; ngành GD&ĐT tới nay đã khởi công được 70/77 công trình, đã hoàn thành và bàn giao 20 công trình, các công trình còn lại đang hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vệ sinh.

Nguyên nhân do chương trình được phê duyệt từ năm 2016 nhưng tới năm 2018 các ngành mới có kinh phí triển khai. Kết quả giải ngân của chương trình còn thấp, các đơn vị triển khai chậm, không thực hiện giải ngân được vốn của năm và phải chuyển vốn sang năm sau làm ảnh hưởng tới tỷ lệ giải ngân của năm thấp. Bên cạnh đó việc triển khai các công trình thuộc phần việc của ngành y tế và giáo dục kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch. Một số xã đang triển khai tuy nhiên phải tạm dừng do thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Công trình nằm trên các địa bàn khó khăn về giao thông, địa hình ảnh hưởng tới tiến độ công trình.

Kế hoạch năm 2020, phấn đấu hoàn thành 13.800/13.800 đấu nối cấp nước đến các hộ gia đình; hoàn thành các hoạt động để đạt được vệ sinh toàn xã là 60 xã; Hoàn thành số công trình vệ sinh trường học được xây mới và cải tạo là 96 công trình; hỗ trợ hoàn thành số công trình vệ sinh hộ gia đình được xây mới và cải tạo là 8.850 công trình; Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá của chương trình. Trong đó tổng vốn thực hiện của năm 2020 (bao gồm cả vốn điều chuyển từ năm 2019 sang) là 202.315 triệu đồng.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo làm rõ kết quả thực hiện tới hết năm 2019, phân tích nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, chậm tiến độ công trình thi công; đề xuất một số ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá tuy so với các tỉnh cùng thực hiện thì chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn đúng kế hoạch đề ra tuy nhiên thời gian qua việc triển khai chương trình còn chậm, việc triển khai thực hiện lúng túng. Do đó cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, thời gian tới phải tập trung triển khai nhanh các dự án đã và đang thực hiện. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình vệ sinh ở các trường học; ngành Y tế tập trung xây dựng hoặc cải tạo nhà tiêu hộ gia đình, công trình cấp nước và vệ sinh Trạm y tế xã; Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai nhanh các dự án cấp nước sạch nông thôn. Việc thi công phải đảm bảo liên tục và theo đúng chương trình được duyệt, việc điều chỉnh sẽ được thực hiện cùng trong quá trình triển khai dự án. Các sở, ngành và địa phương, thành viên ban điều hành chương trình tăng cường phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã ban hành. Bố trí kinh phí cho truyền thông, tuyên truyền thay đổi hành vi; thực hiện khéo léo việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra./.