DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dận vận khéo” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

16/02/2017 00:00
Năm 2016, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp được quan tâm, củng cố kiện toàn. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được duy trì, phát triển và nhân rộng, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giải quyết những khó khăn, tồn đọng, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhờ thực hiện tốt “dân vận khéo”, năm 2016 tỉnh ta đã vận động xây dựng mới hơn 4.000 nhà đại đoàn kết

Cụ thể, cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương về công tác dân vận. HĐND, UBND các cấp, các ban, ngành, sở tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực quản lý, thiết lập đường dây nóng, hòm thư góp ý và lắp đặt hệ thống camera giám sát kịp thời giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đảm bảo an toàn, dân chủ và tiết kiệm, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhân dân theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1312-QĐ/TU ngày 30/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhờ lồng ghép có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” với tuyên truyền, vận động nhân dân lao động sản xuất, kết quả năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo, QP-AN giữ vững. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả. Báo Hòa Bình phối hợp với BCĐ 800 của tỉnh phát động cuộc thi viết “Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã nhận được trên 1 nghìn tác phẩm dự thi; Đài PT-TH đã có trên 700 tin bài, chuyên mục tuyên truyền về phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, các phong trào đã khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo, cần cù của nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều biện pháp khuyến khích, ưu đãi sản xuất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như: “Chăn nuôi bò sữa, sản xuất nông sản hữu cơ” (huyện Lương Sơn); “Du lịch cộng đồng” (huyện Mai Châu); “Trồng cà gai leo, sản xuất chổi chít, gạch nung chất lượng cao” (huyện Kỳ Sơn). Các mô hình Nuôi lợn đất cho vay vốn không lấy lãi (Hội Phụ nữ), Tổ đổi công (huyện Đà Bắc) của các đoàn thể chính trị - xã hội đã nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, nhờ phong trào “Dân vận khéo”, cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định, quy ước của địa phương.

Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Lực lượng công an tỉnh đã duy trì 11 mô hình, trong đó có 5 mô hình mới. Tiêu biểu như: “Xây dựng cơ quan an toàn về an ninh trật tự”, “Cụm quân dân đoàn kết”, “Tổ liên gia tự quản”, “Nhà trường an toàn không có ma túy”…góp phần giảm thiểu tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” tiếp tục duy trì và nhân rộng 97 mô hình tiêu biểu, bền vững và có khả năng nhân rộng. Lực lượng quân sự tỉnh đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương với phong trào “Thi đua quyết thắng”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, phát triển mô hình “Hòm tiết kiệm”,Đồng hành cùng các em đến trường”.

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong các doanh nghiệp, tín đồ tôn giáo, người có uy tín và nhân dân trực tiếp lao động sản xuất còn ít, thiếu tính bền vững.

Xác định được tầm quan trọng của phong trào “Dân vận khéo”, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Đổi mới, củng cố, kiện toàn BCĐ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp BCĐ hoạt động hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả. Hướng công tác dân vận vào xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, CCHC, nâng cao ý thức, trách nhiệm, phong các, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…