DetailController

Địa lý

Đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại

19/03/2018 00:00
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân; đảm bảo QP-AN, TTATXH; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và quốc tế để thúc đẩy, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... đó là mục tiêu tỉnh ta đã và đang hướng tới.
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xóm Tiềng, xã Bắc Phong, Cao Phong) đang là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

 

Điều dễ nhận thấy là những năm gần đây, du lịch Hòa Bình được khởi sắc, từng bước có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh... Thực hiện các nghị quyết, kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch như: Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 21/8/2007, Kết luận số 63-KL/TU, ngày 6/11/2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức quán triệt, triển khai, đồng thời ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện cũng như chỉ đạo kiện toàn, duy trì hoạt động BCĐ Du lịch tỉnh và các địa phương đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Nhờ vậy, công tác QLNN về du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch được chú trọng. Tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch phát triển du lịch, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu bảo tồn thiên nhiên, 102 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo vệ, trong đó đã có 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh góp phần phục vụ phát triển du lịch. Toàn tỉnh cũng có 29 khu, điểm du lịch. Bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng, quen thuộc với du khách trong và ngoài nước như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; hồ Hòa Bình; bản Lác - xã Chiềng Châu, bản Pom Coọng, bản Văn - thị trấn Mai Châu (Mai Châu); bản Giang Mỗ - xã Bình Thanh (Cao Phong); chùa Tiên (Lạc Thủy); khu du lịch suối Khoáng (Kim Bôi)... Trong tỉnh có thêm nhiều điểm du lịch hấp dẫn, ngày càng thu hút đông đảo du khách gần, xa. Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, thuộc địa bàn xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong) là một địa chỉ như vậy.

Từ thị trấn Cao Phong, đi theo con đường với 2 bên là những đồi cam xanh mướt, trĩu quả vàng óng, những vườn mía tím óng ả, tạo thành bức tranh quê thanh bình mà trù phú, du khách sẽ đến Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam thuộc Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sỹ Việt Nam. Mới chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2016, song đến nay, công viên đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến thăm quan, tìm hiểu tư liệu lịch sử của các nhà khoa học qua tài liệu, hiện vật được trưng bày, lưu trữ tại đây.

Phó Giám đốc Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam Bùi Phương Châm cho biết: Công viên được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 30 ha với 4 khu vực chính là: Khu trung tâm; khu hội nghị, hội thảo; khu ẩm thực, vui chơi - giải trí và khu sản xuất. Đây là trung tâm đa năng với công viên khoa học, văn hóa và du lịch sinh thái, trong đó điểm nhấn nổi bật là lưu giữ, bảo tồn hơn 300.000 tư liệu của trên 1.000 nhà khoa học Việt Nam. Qua gian trưng bày góp phần giới thiệu sự phát triển của nền khoa học Việt Nam thông qua cuộc đời hoạt động của các nhà khoa học và tôn vinh các nhà khoa học đã có những đóng góp xứng đáng cho nền khoa học nước nhà.

Đến nay, công viên đã phát triển được hơn 350 loài với trên 80.000 cá thể cây xanh, tạo không gian xanh trong lành, thư thái. Trong khuôn viên có dòng suối Vàng uốn lượn, trong xanh, không chỉ góp phần điều hòa không khí mà đã được đầu tư thành khu vực vui chơi giải trí. Hiện công viên đã được xây dựng các công trình trọng tâm như: Bảo tàng ngầm, hồ bán nguyệt, sân lễ hội, đường vinh danh, đỉnh hiếu học… và có cả không gian tổ chức các lễ hội, sự kiện ngoài trời, tạo nên sức hút riêng.

Không ồn ào, náo nhiệt như nhiều điểm du lịch, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam để lại sự quyến luyến, lắng đọng trong lòng du khách bởi phong cảnh sạch, đẹp, những bản nhạc du dương níu bước chân, con đường hình trái tim tựa những nốt nhạc chấm phá và cả các thảm hoa rực rỡ khoe sắc mà có lẽ người khó tính cũng không thể lạnh lùng bước qua.

Sau một buổi miệt mài khám phá, chiêm ngưỡng, du khách có nhu cầu sẽ được thưởng thức các món ẩm thực đậm bản sắc dân tộc, đặc biệt là những loại rau sạch do chính những người lao động nơi đây trồng, chăm sóc. Chính sự mới lạ, khác biệt đó, nơi đây đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách trong, ngoài tỉnh, nhất là HS- SV vào cuối tuần và những dịp nghỉ lễ.

Có thể nói, những năm gần đây, bản đồ du lịch Hòa Bình đã đa dạng loại hình và phong phú điểm đến với nhiều điểm mới như: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam; đền Bồng Lai, núi Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc); bản Bước, xã Xăm Khòe (Mai Châu); Nhà máy in tiền, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy); Khu du lịch sinh thái Serena, V’Resort (Kim Bôi); Khu du lịch sinh thái Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Vila, Sun Bungalow, huyện Mai Châu.... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia và huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia đã mở ra cơ hội cho du lịch của tỉnh "cất cánh”.

Có những trang mới cho ngành du lịch không thể không ghi nhận công tác thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch và hình thành các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh ta đã có bước chuyển tích cực. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 210 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó vốn T.ư khoảng 170 tỷ đồng, vốn địa phương 40 tỷ đồng. Có 36 dự án được cấp phép đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 4.836 tỷ đồng và 38 triệu USD. Các dự án xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf… tập trung chủ yếu tại TP Hòa Bình và các huyện: Lương Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Kỳ Sơn... trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, hình thành một số khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí thu hút khách du lịch đến Hòa Bình.

Để du lịch phát triển, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng được tỉnh đặc biệt coi trọng. Các sở, ngành và địa phương đã chú trọng phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Trong giai đoạn 2007 - 2017, tỉnh đã mở được 28 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 1.790 lượt học viên là cán bộ QLNN từ tỉnh đến cơ sở; người quản lý, nhân viên phục vụ tại các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng; thuyết minh viên, nhân viên phục vụ và điều khiển phương tiện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đã có 2.600 lao động; 378 cơ sở lưu trú với 3.487 phòng, trong đó có 35 khách sạn, 238 nhà nghỉ và 120 nhà nghỉ cộng đồng. Năm 2017, toàn tỉnh ước đón 1,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 174 nghìn lượt, khách nội địa trên 1,7 triệu lượt. Tổng doanh thu ngành du lịch khoảng 984 tỷ đồng.

Dưới sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, du lịch Hòa Bình đang có cơ sở, nền móng để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.