Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay các cơ sở dạy nghề công lập, dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến hết tháng 10/2014, có 41 cơ sở dạy nghề (tăng 11 cơ sở so với năm 2010), trong đó có 4 Trung tâm dạy nghề thuộc các hội, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã có nhận thức đúng về chủ trương xã hội hóa về dạy nghề của Đảng và Nhà nước. Số cơ sở dạy nghề tăng cùng với sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo, quy mô tuyển sinh ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2010 – 2014 toàn tỉnh đã có 80 nghìn lượt người được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2014 lên 25,3% (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2010). Tổng số kinh phí Trung ương đã bố trí cho dạy nghề trong 4 năm (2010 - 2013) là 12.740 triệu đồng. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956/QĐ-TTg là 3.153 người với kinh phí trên 4,8 tỷ đồng, còn lại 1.933 người được đào tạo thông qua nguồn kinh phí địa phương và các nguồn khác.
Trong 4 năm triển khai thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg đã có những mô hình dạy nghề điển hình như: Đào tạo nghề để chuyển đổi lao động nông thôn sang phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ (lớp may công nghiệp do Trung tâm dịch vụ việc làm đào tạo tại xã Yên Mông – Kỳ Sơn, may túi sách siêu thị tại Trung tâm dạy nghề huyện Kim Bôi, nghề hàn, may công nghiệp,...); đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng mía, trồng bí đao, trồng rau sạch, trồng su su, trồng ngô và trồng cây có múi), một số mô hình trồng ớt xuất khẩu, cây gia vị, cây đinh lăng, cây chùm ngây xuất khẩu,… tại các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, và thành phố Hòa Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; đào tạo nghề phụ, nghề truyền thống để tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, thành lập được nhiều tổ sản xuất, hợp tác xã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Song song với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng tới công tác giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề như liên kết với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để tạo việc làm cho người lao động và tìm thị trường tiêu thụ nông sản giúp họ có việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Như mô hình trồng cam ở xã Đông Phong và Nam Phong (huyện Cao Phong) thu nhập bình quân 20 triệu/tháng; trồng bưởi ở huyện Tân Lạc thu nhập từ 3 – 5 triệu/ tháng; nghề hàn cho thu nhập 4 – 5 triệu/tháng; mô hình sản xuất mây tre đan cho thu nhập bình quân 1 – 1,5 triệu/ tháng.
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề công lập đã xây dựng các phòng học, xưởng thực hành, văn phòng và các công trình phụ khác đảm bảo đủ điều kiện đào tạo. Riêng các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện đã có 7/10 trung tâm được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thông qua đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy nghề của các cơ sở dạy nghề công lập cơ bản đạt chuẩn theo quy định, đội ngũ giáo viên phần lớn là thợ lành nghề, số giáo viên dạy về lý thuyết chuẩn hóa về chuyên môn và đã qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, số giáo viên dạy thực hành đã qua lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho người dạy nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công nghệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền; chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ngành Lao động – Thương binh và Xã hôi cần phối hợp với các cấp, ngành và doanh nghiệp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực như: Chương trình khuyến nông, khuyến công, chương trình dạy nghề cho phụ nữ, Chương trình 135 giai đoạn II, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà và nguồn chi thường xuyên của các huyện, thành phố để đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch; tăng cường việc kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy nghề, các lớp dạy nghề tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; củng cố và từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm sau khi thực hiện sáp nhập.
Nhìn chung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những tác động tích cực về mặt kinh tế và xã hội của tỉnh, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội của tỉnh./.