Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã phát hành 3.000 cuốn bản tin công tác Mặt trận đến các huyện, TP, xã, phường, thị trấn và 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh duy trì các chuyên mục đại đoàn kết, chuyên trang công tác mặt trận thường xuyên phản ánh các hoạt động về ATTP ở các địa phương; đăng tải gần 60 tin, bài và các văn bản chỉ đạo điều hành về công tác đảm bảo ATTP trên Cổng TTĐT,... Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật ATTP, điều kiện đảm bảo ATTP trong sơ chế, chế biến nông - lâm - thủy sản, Luật thú y, tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, học viên và cán bộ giáo viên giam gia chế biến thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh nơi chế biến thực phẩm. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về thực hiện ATTP trên địa bàn tỉnh như: Mô hình điểm “Chi hội Phụ nữ thực hiện ATTP gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức” tại xã Đú Sáng, Kim Bôi, mô hình “Phụ nữ cung cấp thực phẩm an toàn cho các trường nội trú, bán trú” trên địa bàn TP Hòa Bình,...
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được thực hiện thường xuyên, 6 tháng đầu năm BCĐ ATTP Tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp liên ngành tiến hành 01 cuộc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với 03 cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản; điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 03 cơ sở có mẫu vi phạm chỉ tiêu về ATTP, kết quả đã xử lý vi phạm hành chính đối với 06 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 60 triệu đồng; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến kinh doanh nông - lâm - thủy sản đối với 07 cơ sở; phối hợp kiểm tra liên ngành đối với 12 cơ sở thực phẩm,... Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã đấu tranh, xử lý 29 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 200 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm với tổng trị giá trên 80 triệu đồng, bao gồm (sản phẩm nội tạng động vật; trứng gà, vịt, chim cút; bánh, kẹo, mứt, hạt hướng dương,...) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, BCĐ ATTP tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, cụ thể: Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 27/11/2018 của UBND tỉnh về xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh về việc đảm bảo ATTP đối với bữa ăn đông người trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo ATTP, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức Chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giám sát, vận động, giáo dục về vệ sinh ATTP. Hỗ trợ cơ sở thực phẩm trong chấp hành các quy định điều kiện về ATTP; triển khai công tác đảm bảo ATTP trong dịp tết trung thu 2020, tết Nguyên đán 2021; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra chuyên ngành, quản lý Nhà nước về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ làm công tác ATTP, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh./.