DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đảm bảo TTATGT- cần tạo sự chuyển biến về nhận thức

20/09/2011 00:00
Với lực lượng mỏng, 188 cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm đảm bảo TTATGT gần 5.000km đường nội tỉnh, một khối lượng công việc khá nặng nề. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông. Vì vậy cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, từ đó tạo sự chuyển biến nhận thức của của mỗi người dân về việc giữ gìn TTATGT. Đó là những trăn trở của thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh.
CSGT huyện Lương Sơn hướng dẫn học sinh Trường tiểu học xã Tân Thành tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông còn nhiều điểm đáng bàn

 

Giờ tan trường, học sinh các trường từ THCS, THPT đi xe đạp xếp hàng 3, hàng 4 choán hết cả lòng đường, cảnh tượng này ngày nào cũng gặp. Vào buổi chiều tối, các nam thanh, nữ tú diện những bộ trang phục mát mẻ, đầu trần, zin 3, zin 4 lạng lách, đánh võng trên đường phố vẫn hết sức phổ biến. Cảnh họp chợ lấn đường diễn ra thường xuyên không chỉ ở khu vực nông thôn mà có ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố, nơi đã được quy hoạch xây dựng chợ một cách quy củ, nề nếp... Điều đáng nói hơn cả là tình trạng người vi phạm TTATGT có hành vi chống lại người thi hành công vụ ngày càng tăng. Anh Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội tuần tra tuyến đường 12, 21 và đường Hồ Chí Minh bộc bạch nỗi niềm: vì lực lượng mỏng, phương tiện không đảm bảo nên việc kiểm soát TTATGT với chúng tôi luôn hết sức khó khăn. Có nhiều người khi biết mình vi phạm TTATGT không những không hợp tác mà còn có hành động chống lại người thi hành công vụ. Một minh chứng rõ nét nhất là khi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia , nồng độ cồn trong cơ thể cao thường không kiểm soát được hành động của chính mình dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu. Khi bị lực lượng CSGT chặn giữ để làm thủ tục kiểm tra thì có những hành động khiếm nhã lăng mạ người thi hành công vụ. Có đối tượng khi tháo chạy còn đập vỏ chai thủy tinh rải ra đường để ngăn chăn sự rượt đuổi của CSGT...

 

Theo thống kê của Phòng CSGT- Công an tỉnh, lỗi vi phạm chủ yếu của người tham gia giao thông là: vi phạm tốc độ, lấn chiếm phần đường (30%); không đội MBH (22%); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu và vi phạm giao thông tĩnh (18%); vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện (15%); đi vào đường ngược chiều (7%) ... Đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên với tỷ lệ chiếm khoảng 65% số vụ vi phạm. Có nhiều trường hợp cố tình vi phạm và đây là đối tượng gây TNGT nhiều nhất mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan.

 

Cần đẩy mạnh công tác TTPBGDPL về ATGT

           

Để nêu cao được ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chấp hành và tham gia các hoạt động đảm bảo TTATGT cần đẩy mạnh các biện pháp TTPBGDPL về ATGT. Thực hiện mục tiêu này, 7 tháng năm 2011, Phòng CSGT- Công an tỉnh đã xây dựng 25 biển báo thông báo hành vi, vi phạm và mức phạt tiền, đặt tại các ngã ba, ngã tư và các tuyến đường chính tại TPHB. Hoàn thành 30 bản ảnh tuyên truyền cấp cho công an các huyện, thành phố tuyên truyền tại các nơi công cộng. Phối hợp với Đài PT-TH tỉnh duy trì phát sóng bản tin ATGT và chuyên mục cảnh báo TNGT. Đồng thời, xây dựng được 6 phóng sự tuyên truyền về công tác tổ chức giao thông và các hoạt động bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT. Cung cấp 1.245 tin, bài tuyên truyền về Nghị định 34 /CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho các cơ quan thông tin đại chúng. Một mặt, cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về ATGT cho học sinh, sinh viên và nhân dân.

 

Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện và lập biên bản 18.669 trường hợp, phạt tiền 17.764 trường hợp với số tiền 4,1 tỷ đồng; tạm giữ 1.987 mô tô, 37 ô tô, tước 276 giấy phép lái xe. Đồng thời, gửi 365 thông báo vi phạm Luật giao thông đường bộ về nơi cư trú, công tác, học tập của người vi phạm để tạo sự răn đe góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông.

 

Trong các diễn đàn bàn về công tác đảm bảo TTATGT kiềm chế TNGT của tỉnh, các thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh đã có chung một nhận định: các phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông thấp kém, lực lượng CSGT quá mỏng, phương tiện lại chưa đáp ứng gây hạn chế cho việc đảm bảo TTATGT. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Bởi vậy cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, các ban, ngành, đoàn thể đẩy manh các biện pháp TTPBGDPL về ATGT để mọi người tự giác chấp hành và tham gia các hoạt động tạo thành phong trào toàn dân tham gia đảm bảo TTATGT, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.