Sáng 05/11/2019, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đồng tình với Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, gây bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thi hành nhiệm vụ công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt. Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn vô cùng khó khăn. Tham nhũng vặt chỉ là phần nổi trong tảng băn tình hình tham nhũng mà Báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Trong Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy đã kiến nghị xử lý 61.732 tỷ đồng, trong đó thu là 6.917 tỷ đồng, giảm chi trên 12.000 tỷ đồng. Báo cáo thanh tra năm 2019 phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, 819ha đất. Xuất toán kiến nghị xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904ha đất có phải bắt đầu từ tham nhũng vặt? Mặc dù nạn tham nhũng đang từng bước được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp, có hệ thống, có tổ chức.
Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền là rất kịp thời và cần thiết, được Nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
Đại biểu khẳng định công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống. Đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát nguồn lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tài sản riêng liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có. Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, huỷ bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình quy định về công tác cán bộ.Cần sớm thể chế hoá các quy định của Trung ương về kiểm soát nguồn lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.,
thu