Từ Chi trường chính của Trường Tiểu học Đồng Nghê vào Chi trường bản Ấm xa hơn 6km. Con đường mòn vắt qua 2 dãy núi đá có độ cao trên 1.000m so với mặt biển. Xuống hết đoạn đường núi, phải đi gần 1km đường mòn men theo sườn núi đá mới đến bản. Mùa mưa, chỉ cần sơ xẩy bước chân là lăn xuống vực sâu hàng trăm mét. Người yếu bóng vía đi chẳng dám nhìn xuống vực. Vậy mà, cứ đều đặn tuần 2 lần, các thầy cô giáo ở Chi trường bản Ấm lại vượt núi ra Chi trường chính để họp chuyên môn hoặc mua gạo, thức ăn. Đi nhiều thành quen không ai kêu ca một lời.
Chi trường bản Ấm có 5 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên mầm non, trong đó 3 giáo viên dạy hợp đồng. Thu nhập của một giáo viên hợp đồng được Ban Giám hiệu chi trả 1 triệu đồng/tháng. Các thầy: Xa Văn Đêu, Vì Văn Mắm, Bùi Văn Chanh ở xã Miềng Chiềng, Mường Tuổng, cách bản Ấm gần 30km. Cô giáo Bùi Thị Trang, quê ở xã Suối Nánh, cách chi trường 25km. Vì ở xa, đường khó đi nên 2 hoặc 3 tuần họ mới về quê 1 lần. Họ đều độc thân nên cùng góp gạo ăn chung
Chi trường bản Ấm cái gì cũng thiếu. Thầy Đêu, Chi trưởng cho biết: Chi có 22 học sinh. Trong số đó có 5 học sinh ở bản Khoáng, xã Mường Vang (Phù Yên, Sơn La) sang học “ké”. Mấy năm học trước, Chi tổ chức dạy lớp ghép nhưng chất lượng học tập của học sinh không bảo đảm. Năm học 2012 - 2013, Ban Giám hiệu đã tách lớp theo đúng trình độ. Vì vậy, Chi có 5 lớp: Lớp 1 có 4 học sinh, lớp 2 có 2 học sinh, lớp 3 có 7 học sinh, lớp 4 có 3 học sinh và lớp 5 có 6 học sinh. Đáng nói, 5 lớp nhưng chỉ có duy nhất 1 phòng học.
Chi trường bản Ấm đã vận động phụ huynh đóng góp gỗ, ván làm vách ngăn phòng học thành 2 lớp và ngăn phòng ngủ của giáo viên thành 2, nửa kê bàn làm lớp học, nửa kê giường ngủ. Lớp học mầm non làm tạm, đủ kê mấy cái ghế nhựa cho các cháu ngồi. Cả khuôn viên 5 lớp học rộng không đầy 100m2. Anh Bùi Văn Thuật, Trưởng bản Ấm cho biết: Vào đầu năm học, bản lại cùng nhau đem gùi, leo núi ra Chi trường chính cùng các thầy cô giáo “cõng” con chữ (sách, vở học sinh) về bản. Thương, quý các thầy cô giáo lắm. Vì con em dân bản mà thầy cô giáo phải vất vả, thiếu thốn.
Thầy Đêu cho biết, số học sinh ở bản Ấm bỏ học khá nhiều. Học hết tiểu học là các em nghỉ ở nhà. Hiện nay, cả bản chỉ có 7 em học đến trung học cơ sở. Các thầy cô phải đến từng nhà vận động các em đi học nhưng chỉ nhận được lời hứa: “Ừ mình sẽ bảo nó đi học”, thực tế không mấy em đến trường.