DetailController

Văn hóa

Đà Bắc: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 63 tỷ đồng

24/07/2024 17:21
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa; Thể thao và Du lịch, sự phối kết hợp của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở, công tác du lịch huyện Đà Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ban Chỉ đạo công tác du lịch huyện Đà Bắc đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 43/KH-BCĐDL ngày 21/02/2024 của Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh Hòa Bình về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024; Kế hoạch số 70/KH-BCĐ ngày 06/3/2024 của Ban Chỉ đạo Du lịch huyện Đà Bắc về phát triển du lịch huyện Đà Bắc năm 2024… và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Huyện Đà Bắc phát triển du lịch kết hợp với các hoạt động phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao tại địa phương

Huyện Đà Bắc hiện có 31 cơ sở lưu trú, trong đó: 17 homestay, 11 nhà nghỉ, 03 khách sạn 2 sao. Tổng số lượt khách ở Đà Bắc 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt: 145.460 lượt khách du lịch, trong đó: khách nội địa là 140.900 lượt, khách quốc tế là 4.560 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 63,915 tỷ đồng.

Trong công tác tuyên truyền, Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn toàn huyện. Phối hợp với cơ quan truyền thông quảng bá hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, nét văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc của Đà Bắc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên sản xuất chương trình “Quyến rũ Việt Nam” với chủ đề “Về vùng cao Đà Bắc, “Đà Bắc-Thiên đường ẩn giấu” nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh Đà Bắc trên sóng Truyền hình Việt Nam (VTV8, VTV5, VTV3, VTV1) thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng trăm bình luận. Phối hợp đưa các đoàn Famtrip và Presstrip đến huyện để xây dựng sản phẩm du lịch và giới thiệu các điểm đến du lịch Đà Bắc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra đăng 14 tin phát thanh và truyền hình và 8 bài phát thanh và truyền hình trên Trang thông tin điện tử huyện Đà Bắc và Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình, Youtube, Zalo, Đài truyền thanh cơ sở… thu hút hàng trăm lượt like và bình luận.

Nhằm đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, Huyện đã tập trung nguồn lực từ Ngân sách nhà nước, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các dự án như: triển khai xây dựng, cải tạo 32 công trình cứng hóa đường giao thông ở các xã: Yên Hòa, Tiền Phong, Vầy Nưa, Cao Sơn, Toàn Sơn, Hiền Lương, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Nánh Nghê, Tân Pheo, Tân Minh, Đoàn Kết, Trung Thành, Tú Lý; 03 công trình cứng hóa đường giao thông liên xã; triển khai 07 công trình sửa chữa và xây dựng nước hợp vệ sinh, dẫn nước tưới tiêu. Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: cải tạo chợ xã Yên Hòa, cải tạo chợ xã Tân Pheo. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí; khu du lịch phức hợp, trung tâm mua sắm và giải trí, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển khách du lịch, chăm sóc sức khỏe... phục vụ khách du lịch. Đầu năm 2024 huyện có thêm 02 khách sạn 2 sao: Vầy Ang Retreat và Mơ Village.

6 tháng đầu năm 2024, Huyện được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ các hạng mục và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động du lịch tại điểm du lịch cộng đồng gồm: làm biển tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Đền Bờ (xã Vầy Nưa); sửa, căng lại mặt biển tuyên truyền bảo vệ môi trường tại điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng (xã Cao Sơn); hỗ trợ bàn ghế cho nhà văn hóa xóm tại bản du lịch cộng đồng xóm Ké, xã Hiền Lương; làm bổ sung thêm lan can bảo vệ tại sân cộng đồng và bãi đỗ xe chung tại xóm Ké, xã Hiền Lương.

Nhằm xây dựng sản phẩm du lịch, Huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để khai thác phát triển các điểm du lịch có nhiều tiềm năng như: Du lịch Đền Thác Bờ; Căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương, Mường Diềm, Địa điểm Chiến thắng Dốc Tra...Bảo tồn và khai thác giá trị Lễ hội dân gian truyền thống như Lễ hội Đền Thác Bờ; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa (bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng về kiến trúc nhà ở các dân tộc thiểu số như nhà sàn gỗ lợp lá cọ của đồng bào dân tộc Tày, nhà sàn gỗ lợp mái lá dân tộc Mường, nhà gỗ trệt đất lợp mái lá dân tộc Dao, tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày, Dao, làm giấy dó, dệt thổ cẩm, thêu - in hoa văn, nhuộm chàm…). Đồng thời, có kế hoạch duy trì các hoạt động lễ hội Cầu Mường, xã Mường Chiềng; các Lễ hội nhỏ ở địa phương như: Lễ hội xuống đồng dân tộc Mường, Lễ lập tĩnh (Lễ đặt tên), Lễ cấp sắc dân tộc Dao, Lễ mừng cơm mới… Ngoài ra, tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan các giá trị văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao tại địa phương. Tập trung phát triển du lịch cộng đồng (Homestay) tại xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đức Phong (Đá Bia) - xóm Đoàn Kết (Mó Hém), xã Tiền Phong; xóm Sưng, Hồ Tằm xã Cao Sơn; điểm du lịch Đảo Dừa, xã Vầy Nưa. Phát triển du lịch gắn với các giá trị hệ sinh thái của các khu Khu bảo tồn tự nhiên Phu Canh, các giá trị cảnh quan thiên nhiên đồi núi, hang động, thác nước, hệ thống suối, cùng với bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Dao, Mường. Thu hút các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, kết hợp với một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp; phát triển loại hình tắm lá thuốc chữa bệnh của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Tày; chèo thuyền Kayak trên hồ Hòa Bình, leo núi, xe đạp... để phục vụ khách du lịch. Phát triển thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách tại địa phương; xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch và kết nối với các tuyến điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Huyện cũng tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ phát triển du lịch. Dự kiến năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở 08 lớp bồi dưỡng ngắn hạn đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ phát triển du lịch cho 220 học viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức quản lý Nhà nước, đào tạo tập huấn các hộ gia đình đủ năng lực tổ chức các hoạt động du lịch theo mô hình phát triển cộng đồng.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với thành phố Hòa Bình, các huyện và các tỉnh thành phía bắc trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, tiếp thị và khai thác thị trường khách trong nước và quốc tế đến với hồ Hòa Bình. Tăng cường tham gia, quảng bá du lịch tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh; kết nối và mở rộng các sản phẩm du lịch, khai thác tuyến xe buýt Cao Sơn - Thị trấn Đà Bắc - Thành phố Hòa Bình - cảng Thung Nai. Tăng cường liên kết giữa Khu du lịch hồ Hòa Bình với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh tại các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy và thành phố Hoà Bình; vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La...

Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 01 lò đốt rác thải sinh hoạt thực hiện đốt rác bằng lò đốt rác CNC-1000 theo công nghệ T-Tech, công suất 1000 kg/giờ ( 24 tấn/ngày) đặt tại thị trấn Đà Bắc; Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xây dựng được 13 bãi rác tập trung tại các xã: Thị trấn Đà Bắc, Tú Lý, Cao Sơn, Tân Pheo, Giáp Đắt, Đồng Chum, Mường Chiềng, Yên Hòa, Đoàn Kết, Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng, Nánh Nghê. Triển khai xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho người dân.

Tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý các dịch vụ văn hóa, du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn; từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không có điểm nóng, không để xảy ra vi phạm, đặc biệt là không để xảy ra hiện tượng chèo kéo, ép giá gây phiền hà cho du khách. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác liên quan đến du lịch. Qua  kiểm  tra,  các  đơn  vị  kinh  doanh  dịch  vụ  du  lịch trên địa bàn huyện cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Quản lý tốt các đơn vị lữ hành tại địa phương trong việc tổ chức các tour, tuyến du lịch trong và ngoài nước…./.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)