DetailController

Thời sự trong ngày

Chăm lo đời sống, tạo động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

14/06/2024 15:15
Toàn tỉnh hiện có 145 xã nằm trong phạm vi thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN). Trong đó có 74 xã Khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai Kế hoạch, dự án để phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Từ đó đã khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; từng bước giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập.
Hoạt động chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả.

Giai đoạn 2021-2024, nguồn vốn sự nghiệp đầu tư thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBDTTS&MN đạt gần 1.000 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là gần 1.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư đạt trên 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, như: Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội trên 76 tỷ đồng, vốn huy động khác trên 3,6 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh phối hợp triển khai Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với 696 hộ nhà ở; trên 2.600 hộ chuyển đổi nghề; gần 15.000 hộ nước sinh hoạt phân tán; 37 công trình nước sinh hoạt. Tỉnh thực hiện hỗ trợ đầu tư 5 dự án ổn định dân cư tập trung cho 168 hộ tại các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc và Kim Bôi. Thực hiện Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp phát triển rừng cho trên 97.300ha. Trong đó, khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 51.405ha hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch; giao 45.983ha diện tích rừng tự nhiên (bao gồm cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất) cho cộng động, hộ gia đình quản lý; phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất 282 dự án, mô hình và thúc đẩy khởi sự kinh doanh 98 mô hình với 4.900 lượt người. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất được đầu tư nhằm nâng cao đời sống vùng ĐBDTTS&MN. Hiện nay, đã có 664 công trình cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng. Trong đó có 200 công trình Nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 381công trình giao thông; 16 công trình chợ; 29 công trình thuỷ lợi; 10 công trình y tế; 21 công trình trường học; 1 công trình điện nông thôn; 03 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình phụ trợ khác.

Ngoài ra, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ĐBDTTS&MN. Các đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Chú trọng xóa mù chữ 150 người, bồi dưỡng kiến thức cho 200 người, đào tạo nghề cho hơn 26.000 người.

Hoạt động chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả. Đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có 2.575 các hoạt động được triển khai với 61.362 lượt người tại 59 xã. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc từng bước kéo giảm. Toàn tỉnh đang duy trì 39 mô hình phòng, chống hôn nhân cận huyết thống với gần 8.000 lượt người. Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Thông qua các hội nghị cuộc, toạ đàm, tập huấn, lễ phát động hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới”,... đã trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện.

Những kết quả mà Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN đem lại đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cấp bách trong đời sống xã hội, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện môi trường sống, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế trong vùng ĐBDTTS&MN. Mục tiêu của tỉnh ta, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS bình quân mỗi năm giảm 2,5%-3%, phấn đấu 50% số xã, thôn thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Đồng thời tiếp tục duy trì ổn định 100% trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường, 98% học sinh học THCS trở lên, trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế,...

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án 1, Dự án 2, Dự án 4, Dự án 5 và Dự án 6 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho ĐBDTTS gắn với hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn. Các huyện, thành phố rà soát cụ thể, chi tiết từng đối tượng thụ hưởng phê duyệt danh sách các hộ để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 của Chương trình. Tăng cường triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng ĐBDTTS&MN, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn với điều kiện cụ thể của từng xóm, xã. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã vùng ĐBDTTS&MN. Thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các Trường dạy nghề, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện để đáp ứng nhu cầu góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện của từng địa phương./.