DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 62- CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”

28/12/2023 16:30
Ngày 28/12, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kết luận số 965-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 62- CT/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TU, đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc “Chống rác thải nhựa”. Cấp ủy, chính quyền, và các đoàn thể đã nỗ lực trong lãnh đạo và thực hiện chủ trương không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay vào đó là các sản phẩm tái sử dụng. Phát động nhiều phong trào cùng chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong các sự kiện về môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các chính sách liên quan đã ra đời, đặt ra mục tiêu giảm sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy, là cơ sở quan trọng trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của rác thải nhựa và thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Các địa phương cũng đã triển khai biện pháp giám sát và xử lý nghiêm việc xả rác bừa bãi, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.

Thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 62-CT/TU; Kế hoạch số 190/KH-UBND, ngày 30/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”; Kế hoạch số 58/KH-UBND, ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Quyết định số 2079/QĐ-UBND, ngày 16/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp. Các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào các nội dung của Chỉ thị 62-CT/TU và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 190/KH-UBND, ngày 30/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đưa vào nội dung nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong đó lồng ghép việc triển khai thực hiện phong trào chống rác thải nhựa. Nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt, xác nhận hồ sơ về môi trường, công nghệ, cấp phép đầu tư, xây dựng các dự án, đặc biệt đối với các dự án đầu tư sản xuất túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần để đảm bảo lộ trình hạn chế và dừng sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải, bỏ, dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Nghiên cứu phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường. Đảm bảo nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tăng tỷ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh đặc biệt cho việc tái chế, xử lý chất thải trong đó có rác thải nhựa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường lồng ghép các mô hình kinh tế- xã hội. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Huy động tối đa các nguồn lực của Trung ương, các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng xây dựng các khu tái chế và xử lý rác với công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh thu gom và xử lý rác thải, chất thải y tế và nhựa. Tổ chức bình chọn và công bố các sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường. Xây dựng mô hình kinh tế chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong tái chế rác thải. Thực hiện quy định thay thế nhiên liệu và sản phẩm gây hại bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường và tái sử dụng.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở căn cứ nội dung Kết luận này triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế tại đơn vị, địa phương mình. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa các nội dung Kết luận thành những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ nội dung Chỉ thị số 62-CT/TU và Kết luận này tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả./.