Theo tổng hợp báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022) và 02 tháng đầu năm 2024 đã có 18 ca tử vong do bệnh Dại (tăng 09 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023). Trên địa bàn tỉnh, năm 2023 ghi nhận 01 người tử vong do bệnh Dại và trong tháng 02 năm 2024 ghi nhận 01 trường hợp tử vong do Dại, trong khi đó theo tổng hợp báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kết quả tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo năm 2023 tại một số địa phương có tỷ lệ thấp (dưới 50% tổng đàn), tiềm ẩn nguy cơ bệnh Dại xảy ra là rất cao.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi; hạn chế tối đa chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cào, cắn và lây truyền bệnh sang người. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2030; tổ chức thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn vật nuôi trên địa bàn theo nội dung Công văn số 420/SNN-CNTY ngày 20/02/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2024.
2. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó; mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.
3. Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
4. Thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo đồng loạt, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn (100% chó, mèo trong diện tiêm), thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi.
5. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương chủ động phối hợp với cơ quan Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn lây và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
6. Chủ động bố trí nguồn lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị trấn, khu đông dân cư.
7. Chỉ đạo thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại các địa phương có nguy cơ cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật, góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân./.