Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 12.991 ha, năng suất một số loại cây trồng đạt và vượt kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt đạt 2,9 vạn tấn, tăng 3,5% so với kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt theo giá hiện hành ước đạt 886,4 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác trồng trọt năm 2022 bình quân đạt 119,5 triệu đồng/ha. Quan tâm phát triển vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGap và xây dựng nhãn mác sản phẩm, cấp mã số vùng trồng: Đến nay đã có 223,05 ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ (129,05 ha bưởi tại các xã: Ngọc Lương, Hữu Lợi, Bảo Hiệu, Thị trấn Hàng Trạm; 74 ha bí xanh tại xã: Phú Lai, Lạc Lương, Đoàn Kết, Ngọc Lương; 20 ha cây trồng khác). Thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp, tính đến nay có 23 Doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển kinh tế tập thể ngày càng được chú trọng; Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, sản phẩm ngành nông nghiệp Yên Thủy được tiêu thụ trong những thị trường lớn trong và ngoài tỉnh, đồng thời có các sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu ra thị trường khó tính nước ngoài.
Tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẽ và phân tán; chất lượng sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, công nghệ sinh học, công nghệ thông minh trong sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn ít. Một số cây trồng chủ lực chưa gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi nên tạo ra giá trị thấp, số cơ sở ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa đa dạng, định hướng xuất khẩu nước ngoài chưa nhiều. Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung còn ít, chưa theo quy hoạch dẫn đến tính bền vững không cao, gây khó khăn cho các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp của nông dân vẫn còn theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, chưa đủ lớn để tiếp cận thị trường, việc sản xuất nông nghiệp An toàn, VietGap, hữu cơ và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp được người dân quan tâm, xong số lượng chưa nhiều.
Để hội nhập kinh tế, ngành trồng trọt của huyện phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn các loại cây trồng có lợi thế thành các vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, hình thành cơ sở sơ chế đóng gói, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường đưa vào sản xuất và sử dụng các loại giống tốt, giống chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt; ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển vùng sản xuất một số cây trồng chủ lực thế mạnh giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, giai đoạn 2023 – 2025 tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực thế mạnh, hình thành vùng sản xuất một số cây trồng chủ lực thế mạnh trên cơ sở vùng trồng tập trung của các địa phương, doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình nông nghiệp hiệu quả, từng bước ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng, hỗ trợ giống mới nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ… chuyển đổi cây trồng, liên kết thị trường để thúc đẩy việc đầu tư sản xuất thành vùng tập trung theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP...; đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và thăng hạng, chuẩn hóa cho các sản phẩm OCOP, phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể: duy trì khoảng 950 ha bưởi ( trồng tại xã Ngọc Lương, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm); duy trì sản xuất tập trung cây mía khoảng 1.250ha trở lên (ở 06 xã gồm: Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc, Lạc Thịnh , Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm); phát triển và sản xuất tập trung 1.200 ha cây lạc (các xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai, HTX nông nghiệp An toàn Yên Thủy ); duy trì 75 ha cây khoai sọ, sản xuất tập trung ( 03 xã Yên Trị, ngọc Lương, Phú Lai). Năng suất ước đạt 82 ta/ha; hành tăm trồng khoảng 125 ha diện tích, trồng tập trung tại các xã: Phú Lai, Đoàn Kết, Yên Trị).
Đối với cây rau, quả khác như ớt, chanh leo, bí xanh; cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen...tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất gắn với liên kết tiêu thị cây dược liệu cho một số doanh nghiệp có nhu cầu chế biến dược liệu.
Định hướng giai đoạn 2026 – 2030, huyện Yên Thủy tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bền vững theo vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ hình thành các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, các chứng nhận chất lượng nông sản đảm bảo để tập trung quảng bá sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu. Nâng hạng, thăng hạng, chuẩn hóa cho các sản đặc chưng, sảnphẩm OCOP của huyện. Tăng cường phát triển kinh tế tập thể, đổi mới quan hệ sản xuất và nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các dự án đầu tư liên kết phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao …phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo nông sản hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên địa bàn huyện Yên Thủy.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, huyện tập trung triển khai các giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tập trung sản xuất cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân; Khuyến khích việc tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn để phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, có hiệu quả; hình thành các HTX, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất sản xuất có tính liên kết gắn giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; theo hướng nâng cao khả năng thực hành sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tập trung, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tích cực hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là ở các thị trường lớn và xuất khẩu. Đầu tư, hỗ trợ liên kết để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo mô hình Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ cho sản xuất vùng nguyên liệu.