DetailController

Khoa học - Môi trường

Xử lý vỏ thuốc BVTV - chớ nên coi thường!

22/09/2010 00:00

Theo kết quả các công trình khảo sát nghiên cứu gần đây, lượng thuốc còn sót trong vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng sẽ chiếm trên dưới 5% khối lượng thuốc. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta sử dụng khoảng 18 tấn thuốc BVTV, tương đương với lượng thuốc còn sót lại là xấp xỉ 1 tấn.

Gói thuốc trừ sâu Rigell 50sc còn sót lại khá nhiều thuốc được bà con vứt ngay cạnh mương nước tại khu vực cánh đồng bí xanh thuộc TK1-TT Tân Lạc

 

Với “thói quen” vứt vỏ thuốc BVTV tràn lan ra bờ ruộng, kênh mương... như hiện nay thì lượng thuốc tồn đọng này sẽ là mối nguy hiểm, đe doạ đến môi trường, tác động xấu đến cây trồng vật nuôi và ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ của chúng ta. 
 
Thực trạng đáng lo ngại!
 
Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp tỉnh ta đã có những bước tiến rất đáng kể, các nông sản làm ra đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Có được thành tựu trên là do bà con nông dân đã biết áp ụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt. Trong quá trình canh tác, việc sử dụng thuốc BVTV được xem là một yếu tố cần thiết và tất yếu. Điều đáng nói là sử dụng thuốc BVTV sao cho đúng cách, khoa học và an toàn thì không phải người nông dân nào cũng ý thức thực hiện. Thực tế hiện nay cho thấy có hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV làm giảm chất lượng nông sản, thời gian cách ly không đảm bảo sẽ làm người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính do dư lượng thuốc BVTV còn lại trong rau quả. Ngoài ra, người nông dân còn rất tuỳ tiện vứt rác thải là vỏ thuốc BVTV ra đồng ruộng là một tình trạng rất đáng lo ngại.
 
Huyện Tân Lạc có hai địa bàn sản xuất nông sản hàng hoá phát triển nhất hiện nay là khu vực thị trấn Mường Khến và xã Mãn Đức. Cánh đồng trồng bí xanh thuộc khu I (thị trấn Mường Khến) đang vào những ngày thu hoạch rộ. Trước khi thu hoạch đó để đảm bảo mẫu mã quả, phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân đã sử dụng khá nhiều thuốc BVTV, minh chứng là có rất nhiều vỏ thuốc BVTV được gom thành đống ở ngay bờ ruộng, hoặc đang trôi nổi trên con kênh giữa cánh đồng. Nắng lên, lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các vỏ chai lọ bốc lên mùi hôi nồng nặc. Ở đây, không có dấu hiệu của việc chôn lấp hoặc xử lý vỏ thuốc BVTV dù rằng trên tất cả các vỏ thuốc BVTV đều có ghi rõ: “Không rửa bình bơm và dụng cụ pha thuốc gần nơi ao hồ, kênh rạch, nguồn nước dân chúng đang dùng và ao nuôi cá. Chôn bao bì sau khi đã sử dụng”.
 
Điều đáng nói, đây không phải là thực tế của nguyên thị trấn Mường Khến, của riêng huyện Tân Lạc mà là của toàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xác nhận: “Hiện tượng bà con nông dân vứt vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù bà con mình đều nắm được nguyên tắc, cách thức khi sử dụng thuốc BVTV nhưng vẫn cố tình làm sai và dần hình thành một thói quen xấu, nguy hại”.
 
Từ năm 2005 trở lại đây, do yêu cầu về sản lượng, năng suất, đầu tư thâm canh cao, tình hình dịch bệnh... nên lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn tỉnh ta đang tăng dần qua các năm. Hiện nay, trên Hoà Bình có 4 nhóm cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn cả là: lúa, dưa hấu - bí xanh, cây có múi (cam, quýt...) và cây chè. Trong đó, trên 70% tổng sản lượng thuốc BVTV là thuốc trừ sâu gây độc với động vật máu nóng và cơ thể người. Khi lượng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ sâu còn sót lại trong chai, lọ... được vứt ra môi trường, dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ... có thể gây ra ngộ độc cấp tính cho người tiếp xúc. Vì nông dược là loại hoá chất có chứa các nguyên tố như hợp chất asen, thuỷ ngân, chì... có độc tính cao, thời gian lưu lại trong đất lâu, có loại tồn tại từ 10 - 20 năm; chúng được cây trồng hấp thụ và tích tụ trong quả, lá, hạt... sẽ ảnh hưởng đến vật thể tiêu thụ chúng. Về lâu dài, lượng thuốc BVTV tồn dư này sẽ là nguyên nhân chính làm hoang hoá tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và chất lượng hàng hoá.
 
Đâu là hướng giải quyết?
 
Thực trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ BVTV vứt bừa bãi như hiện nay được xác định bởi hai nguyên nhân chính: thứ nhất, do sự thiếu ý thức dẫn đến hình thành thói quen xấu của người dân; thứ hai, chưa có các điểm thu gom tập trung và xử lý rác thải vỏ thuốc BVTV đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn.
 
Để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về vấn đề xử lý vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng, những năm gần đây Chi cục BVTV đã tăng cường phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ... đẩy mạnh việc lồng ghép, tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn. Thông qua các khoá tập huấn, chuyển giao công nghệ...cán bộ ngành BVTV đã thường xuyên nhắc nhở người dân xử lý vỏ thuốc BVTV an toàn. Nếu như công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BVTV về việc sử dụng thuốc BVTV trước đây chỉ chủ yếu tập trung vào các tập thể, đơn vị sử dụng thuốc tập trung như nông trường, trang trại lớn... thì nay đã lưu ý hơn đến đối tượng người dân, các hộ gia đình cấy trồng nhỏ lẻ. Từ đó, kịp thời nhắc nhở bà con những sai phạm để nhanh chóng chấn chỉnh. Tuy nhiên, thực tế là việc kiểm tra người dân sử dụng thuốc BVTV như thế nào chưa được diễn ra thường xuyên do địa bàn rộng, số lượng cán bộ ngành BVTV còn ít. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, chưa có xử phạt nên tính răn đe chưa cao, người dân dễ tái phạm.
 
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra khi chúng tôi tìm hiểu thực tế về vấn đề này là đa phần người dân đều băn khoăn rằng: Nếu không vứt vỏ thuốc BVTV như thế thì cũng chẳng biết làm thế nào? Chôn vỏ thuốc BVTV ngay tại góc ruộng thì lượng thuốc còn tồn đọng vẫn sẽ ngấm vào đất - nước ngầm, nếu là vỏ chai thuỷ tinh hoặc chai nhựa thì sợ nếu vỡ ra sẽ dẵm phải; nếu đốt thì không cháy hoặc mùi khét rất khó chịu. Như vậy, có thế nói việc thiếu địa điểm thu gom là một trong những lý do dẫn đến tình trạng người dân vứt vỏ thuốc BVTV ra đồng ruộng. Theo các nhà khoa học, rác thải từ vỏ thuốc BVTV cần được thu gom và xử lý theo phương pháp riêng, không thể thu gom và xử lý chung cùng với rác sinh hoạt thông thường được.
 
Hiện nay, để giải quyết rác thải từ vỏ thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện cách làm hay ở xã Cố Nghĩa (huyện Lạc Thuỷ). Ở đây, vấn đề xử lý vỏ thuốc BVTV được đặc biệt chú trọng, trở thành một trong những quy định chung trong sinh hoạt cộng đồng dân cư. Xã đã xây dựng những chiếc bể nhỏ để người dân gom vỏ thuốc BVTV vào đó. Cách làm này đã hạn chế được lượng thuốc BVTV còn sót lại sau khi sử dụng cũng như rác thải từ vỏ thuốc BVTV phát tán rộng rãi ra môi trường.
 
Cách làm của xã Cố Nghĩa đã cho thấy xử lý an toàn vỏ thuốc BVTV không hề khó, vấn đề là cần có sự quan tâm, kiên quyết hơn nữa của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội đoàn thể. Từ đó, dần chấm dứt thói quen vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi phổ biến như hiện nay và nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.
 

Điều 15 - Nghị định số 26/2003/NĐ - CP ngày 19/3/2003 quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ và kiểm dịch thực vật”:
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật và thời gian cách ly gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường.
 
5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:
 
c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.