DetailController

Khoa học - Môi trường

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước theo quy định

23/08/2023 16:30
Hòa Bình nằm ở đầu nguồn của một số nguồn nước liên tỉnh và đang trên đà phát triển kinh tế, vì vậy các tác động của phát triển kinh tế - xã hội và khai thác sử dụng nước của tỉnh không chỉ tác động đến môi trường, nguồn nước trong phạm vi tỉnh mà còn tác động đến nguồn nước của các địa phương khác ở hạ du (nhất là với nguồn nước sông Đà trên lưu vực sông Hồng); mặt khác một số khu vực của tỉnh tương đối khó khăn về nguồn nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, vì vậy cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Sông Đà luôn cần được bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đối khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, nguồn nước mặt của địa phương này chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: Sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi, ... chảy qua địa bàn tỉnh. Hòa Bình có mạng lưới sông, suối phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh. Các sông lớn có lưu lượng dòng chảy khá gồm: sông Đà, sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi và sông Lạng. Trên 50% sông suối có lưu lượng thường xuyên trên 3 lít/s; tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông suối đạt khoảng gần 60 tỷ m3.

Hòa Bình có hoạt động kinh tế sôi động đặc biệt là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, nên tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, là địa phương miền núi, địa hình phức tạp, lượng nước phân bố không đều giữa các khu vực, nên hiện tại vẫn còn một số các vùng chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng nước.

Trước thực trạng đó, từ năm 2021 UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Quan điểm của quy hoạch tài nguyên nước là: Đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng; quản lý và khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đối khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước; phân bổ chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít tiêu tốn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất có chất lượng kém, nơi ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm cao, nơi có mực nước ngầm không đủ điều kiện khai thác; khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và duy trì. Xây dựng phương án phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: “Để quản lý chặt khai thác tài nguyên nước, sở đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt các công trình như: Thủy điện Suối Tráng tại Xóm Dài, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong; tham mưu UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”,... Trong quá trình triển khai thực tế, Hòa Bình gặp không ít nhiều rào cản, một trong số đó là nhận thức về pháp luật tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước chưa cao, chưa tự giác chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, Hòa Bình còn thiếu nguồn tài liệu, cơ sở dữ liệu cơ bản, thông tin về tài nguyên nước còn chưa đầy đủ, đặc biệt là thiếu tài liệu điều tra cơ bản về các nguồn nước, địa chất thủy văn,... Đây là một khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, thẩm định hồ sơ cấp phép tài nguyên nước, đặc biệt là hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất.

 Trước thực trạng trên, ông Quân cho biết thêm: Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương có liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, trong đó tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước. Đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác bảo vệ tài nguyên nước.

Trong công tác quản lý và giám sát, Hòa Bình sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tỉnh Hòa Bình; điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng đối với từng nguồn nước trong lưu vực sông nội tỉnh; điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh; đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, chủ trì kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước theo quy định./.