DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Xây dựng đường giao thông nông thôn: Hiệu quả từ phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm

02/05/2013 00:00
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã và đang tập trung huy động các nguồn lực cũng như sự ủng hộ của nhân dân để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường đất ở vùng sâu, xa trước đây nay đã được bê tong hóa, giúp bà con đi lại thuận tiện, góp phần nâng cao đời sống cũng như thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hòa Bình Trần Hải Lâm cho biết, hiện nay mạng lưới đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài hơn 5.000 km, trong đó hệ thống hạ tầng đường giao thông là khoảng 3.345,8 km. Trước đây, hầu hết những tuyến đường này đều xuống cấp nghiêm trọng, nhất là những tuyến đường liên huyện về trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nên rất dễ bị cô lập mỗi khi mưa to. Trước tình hình đó, tỉnh đã thực hiện triển khai đề án cứng hóa giao thông nông thôn, trong đó chú trọng đến các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh đã triển khai cứng hóa được 1.180 km, trong đó có 3,3 km mặt đường bê tông nhựa, hơn 1.000 km đường đường bê tông xi măng…Để công việc đạt được kết quả tốt, tỉnh Hòa Bình đã huy động sức dân cùng tham gia trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, trong quá trình làm đường Nhà nước sẽ hỗ trợ xi-măng, nhân dân tham gia thi công, đóng góp kinh phí và cát, sỏi. Do chủ trương hợp lòng dân, phù hợp nguyện vọng và mang lại lợi ích, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội nên tạo được sự đồng thuận cao. Trong quá trình triển khai tại nhiều nơi xuất hiện sáng kiến hay về phong trào này, điển hình là việc vận động nhân dân hiến đất để làm đường. Đến nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có những hộ tự nguyện hiến hàng nghìn, hàng trăm m2 đất nhằm xây mới hoặc mở rộng đường. Đặc biệt, có những hộ sẵn sàng đóng góp tiền của gia đình để xây dựng đương giao thông thôn, xóm…Do làm tốt công tác này nên tỷ lệ đường được cứng hóa tại các địa bàn ngày càng được nâng cao; bộ mặt giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể và việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn. Có đường giao thông nhiều xã vùng cao ở Hòa Bình đã có sự chuyển biến mạnh trong đời sống và sinh hoạt.

Cách đây khoảng bảy năm, trên địa bàn huyện Cao Phong đường liên thôn, xóm chủ yếu là đường đất nên người dân đi lại rất khó khăn, cản trở việc tiêu thụ nguyên liệu mía, cam của nhân dân. Tuy nhiên, sau bảy năm triển khai thực hiện chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn, đến nay huyện đã cứng hóa được 56% tổng số tuyến đường liên thôn, xóm, xã. Theo ông Hồ Xuân Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện, trong quá trình triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn tại địa bàn đã được nhân dân các xã, thị trấn hưởng ứng nhiệt tình bằng việc tham gia đóng góp ngày công, hiến đất. Sau một thời gian triển khai đến nay các xã thuộc vùng khó khăn, các xã vùng sâu, xa thì các tuyến đường giao thông đã và đang phát huy hiệu quả trong việc xây dựng nông thôn mới, mở mang sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Chị Bùi Thị Liễu xóm Bãi Bệ I xã Dũng Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, từ khi đường giao thông trên địa bàn xã được cứng hóa, người dân chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều. Như gia đình trước đây trồng mía tím do đường đi lại khó khăn, mỗi khi thu hoạch lại bị thương nhân ép giá nên lợi nhuận cũng chẳng được là bao. Tuy nhiên, thời gian gần đây xã đã huy động nguồn lực, nhân dân tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản dề dàng hơn. Năm nay, với 4.000 m2 mía tím sắp đến kỳ thu hoạch, dự kiến gia đình tôi sẽ thu về khoảng 200 triệu tiền lãi. Ông Bùi Văn Dùng, xóm Đồng Mới xã Dũng Phong huyện Cao Phong cho biết, từ khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng bằng việc hiến đất, ngày công. Sau khi con đường được hoàn thành đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn. Đặc biệt, có đường giao thông, người dân chúng tôi có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dễ dàng; nông sản sản xuất ra không bị thương nhân ép giá; đời sống nhân dân đã thay đổi đáng kể…

Tuy nhiên, việc xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn hiện nay vẫn còn gặp khó khăn do Hòa Bình vẫn còn là tỉnh nghèo; nguồn ngân sách địa phương hạn chế nên gây khó khăn cho công tác bảo đảm, duy tu, sửa chữa cũng như hỗ trợ làm đường mới; các địa phương thuộc vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn mật độ dân cư thấp nên sự đóng góp xây dựng đường phải lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu…Theo ông Trần Hải Lâm, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn. Đồng thời tận dụng tốt tất cả các nguồn vốn cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, nhà tài trợ và đóng góp của nhân dân để tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn, nhất là các xã vùng khó khăn…