Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 5.071 doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh với tổng số 83.057 lao động và số vốn đăng ký là 78.039 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; doanh thu của doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế-xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 60% vào GRDP của tỉnh. Hàng năm các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh. Các doanh nghiệp luôn đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng những sản phẩm trọng yếu cho xã hội như sản xuất phân phối điện, sản xuất xi măng… Các doanh nghiệp mới được thành lập đã chủ động huy động thêm nguồn vốn, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án đầu tư đã bổ sung nguồn vốn quan trọng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần cải thiện nguồn nhân lực, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước năm 2023 đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho 83.057 người lao động (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp thu hút và giải quyết việc làm thêm 2.083 lao động mới. Thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân người lao động trong doanh nghiệp năm 2023 đạt trên 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên được cấp ủy, đoàn thể quan tâm, kịp thời phát hiện, đề xuất những quần chúng ưu tú, đủ điều kiện, có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đưa vào danh sách cảm tình đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền kịp thời cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Công tác kết nạp đảng viên được các cấp ủy thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng.
Trong năm 2023 toàn tỉnh đã kết nạp được 40 đảng viên trong các doanh nghiệp (tăng 43% so với năm 2022). Đến nay toàn đảng bộ tỉnh có 1.182 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (tăng 6,1% so với năm 2022).
Trong năm 2023 đã thành lập được 08 chi bộ đảng (tăng 60% so với năm 2022). Cụ thể ở các đảng bộ như sau: Đảng bộ thành phố Hòa Bình thành lập 02 chi bộ cơ sở; Đảng bộ huyện Lương Sơn thành lập 02 chi bộ; Đảng bộ huyện Đà Bắc thành lập 02 chi bộ; Đảng bộ huyện Lạc Thủy thành lập 01 chi bộ trực thuộc: Chi bộ Công ty Cổ phần dịch vụ Điện lực Việt Nam, thuộc Đảng bộ thị trấn Chi Nê với 03 đảng viên; Đảng bộ huyện Kim Bôi thành lập 01 chi bộ cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 72 doanh nghiệp có tổ chức đảng, trong đó có 07 đảng bộ cơ sở, 37 chi bộ cơ sở, 28 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, cụ thể: Doanh nghiệp thành lập theo Luật HTX và hợp tác xã: 11 tổ chức đảng với 126 đảng viên. Doanh nghiệp tư nhân: 02 tổ chức đảng với 34 đảng viên.Công ty TNHH tư nhân: 10 tổ chức đảng với 206 đảng viên; Công ty cổ phần tư nhân: 48 tổ chức đảng với 852 đảng viên. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 01 tổ chức đảng, với 36 đảng viên viên
Các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hoạt động theo các quy định của Ban Bí thư; các chi bộ doanh nghiệp, hợp tác xã trực thuộc đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn thực hiện theo Quy định số 16-QĐ/TU, ngày 26/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua quá trình hoạt động nhìn chung các cấp ủy, tổ chức đảng ở các loại hình doanh nghiệp nói trên đã xác định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng. Trong tổ chức thực hiện đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật, nghĩa vụ đối với Nhà nước; đảm bảo chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc và các đoàn thể nhân dân ở doanh nghiệp, tạo môi trường hợp tác, đoàn kết, phát triển góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp giữ được vai trò tiên phong gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp vì sự phát triển của doanh nghiệp. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng đối với tổ chức đảng và đảng viên hằng năm được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh.
Trong công tác phát triển đoàn thể, năm 2023 đã thành lập được 18 công đoàn cơ sở, với 3.219 đoàn viên; phát triển được 03 tổ chức cơ sở đoàn thanh niên với 125 đoàn viên. Các tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở 03 loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH tư nhân và công ty cổ phần tư nhân.
Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã chỉ đạo hội cựu chiến binh các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát tại các doanh nghiệp để phát hiện đối tượng đủ tiêu chuẩn xem xét kết nạp hoặc thành lập tổ chức cơ sở hội tại doanh nghiệp. Năm 2023, thành lập được 02 tổ chức hội cựu chiến binh cơ sở với 34 hội viên, tiếp tục duy trì hoạt động của 1 chi hội CCB trong doanh nghiệp với 11 hội viên nâng tổng số tổ chức Hội Cựu chiến binh trên toàn tỉnh: 03 tổ chức cơ sở, với 45 hội viên.
Năm 2024, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp tư nhân và người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân là mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng những người lao động có ý thức, có kỷ luật, có ý chí độc lập, tự chủ, chủ động tích cực trong lao động, sản xuất, phát huy tối đa nội lực để mang lại hiệu quả và hiệu suất lao động cao nhất cho xây dựng và sự phát triển hưng thịnh của doanh nghiệp trong tương lai chứ không phải là sự ràng buộc đối với doanh nghiệp.
Các huyện ủy, thành ủy thường xuyên, kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với các chủ doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Làm tốt công tác rà soát, nắm chắc tình hình đảng viên trong doanh nghiệp; tiếp xúc với chủ doanh nghiệp, người lao động để vận động, thuyết phục, hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp trên cơ sở các quy định, hướng dẫn thi hành. Chỉ thành lập tổ chức đảng khi đã phát triển được đủ số lượng đảng viên, bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng. Việc vận động thành lập tổ chức đảng cần tôn trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của tổ chức đảng.
Nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, giữ vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp (bí thư là chủ doanh nghiệp, giám đốc, phó giám đốc; chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng quản trị; trưởng các tổ chức đoàn thể…). Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp và thiết thực đối với từng nhóm đối tượng. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng trong doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp tại địa phương, cán bộ đoàn thể đủ điều kiện vào Đảng. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng cấp ủy cơ sở nơi doanh nghiệp đứng chân hoặc nơi có người lao động cư trú có văn bản giao chi bộ có điều kiện thuận lợi để phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng là cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp vào đảng; tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên làm việc trong doanh nghiệp (nhất là đảng viên ở nơi khác đến đang cư trú trên địa bàn) được sinh hoạt đảng tại chi bộ.
Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, bố trí thời gian sinh hoạt chi bộ linh hoạt không ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân vững mạnh để lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Thường xuyên sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những đơn vị kinh tế tư nhân sản xuất kinh doanh có hiệu quả và làm tốt việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong đơn vị…./.