DetailController

Khoa học - Môi trường

Xây dựng nông thôn mới ở Cao Phong ì ạch trong việc thực hiện tiêu chí môi trường

06/08/2014 00:00
Môi trường luôn là một tiêu chí khó trong số các tiêu chí thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Huyện Cao Phong cũng đang “loay hoay” tìm lời giải cho việc thực hiện tiêu chí này. Đồng chí Nguyễn Tố Túc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện cho biết nguyên nhân chính là do thời gian qua, các xã trên địa bàn huyện chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện tiêu chí này, mà ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ hơn.
Hiện nay số thùng đựng rác chỉ đáp ứng được chưa đến 1/4 nhu cầu vứt rác thải của người dân.

 Cũng theo đồng chí Nguyễn Tố Túc thì để đạt được tiêu chí này, các xã phải đạt được 5 tiêu chí nhỏ, bao gồm: Có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục); đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch (có ít nhất một nghĩa trang tập trung); rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý (trong đó xóm, xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung). Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Phong hiện chỉ có xã Dũng Phong là gần hoàn thiện được tiêu chí này, các xã còn lại vẫn … “dậm chân tại chỗ”.

Đồng chí Đinh Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Là một xã vùng lòng hồ sông Đà, diện tích phần đa là đồi núi, dân cư nằm rải rác dọc theo tuyến tỉnh lộ 435. Hiện nay, xóm Lòn là xóm duy nhất của cả xã có nghĩa trang tập trung, các xóm khác khi có người thân qua đời, người dân tự chôn trong vườn, đồi của nhà mình. Bên cạnh đó, xã cũng chưa có kinh phí cho việc xây dựng bãi rác thải dân cư nên tiện đâu người dân đổ đấy. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh cũng chưa đạt được như mong muốn. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ và chính quyền xã. Để tận mục sở thị những gì mà đồng chí Chủ tịch UBND xã vừa trao đổi, chúng tôi đến bản Giang Mỗ (địa phận xóm Mỗ 2), một điểm du lịch hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Bản Giang Mỗ nằm khép mình trong thung lũng dưới chân núi Mỗ. Cuộc sống êm đềm của hơn một trăm hộ gia đình người Mường tuy đơn sơ nhưng lại cuốn hút du khách bởi nét văn hóa trong sinh hoạt và lối kiến trúc nhà sàn hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nếp nhà Mường cổ trước đây. Tuy vậy, việc xử lý rác thải ở bản Giang Mỗ vẫn theo kiểu “tự nhiên” tức là vứt trực tiếp xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, với 46 hộ của xóm Mỗ 2 mới chỉ có 3 thùng đựng rác công cộng, đáp ứng được chưa đến 1/4 nhu cầu vứt rác thải của người dân. Những thùng này do Phòng TM&MT của huyện cấp năm 2010. Nhiều du khác nước ngoài khi đến đây du lịch họ khá thất vọng về việc xả rác bừa bãi cũng như việc thiếu ý thức trong giữ gìn môi trường của người dân bản địa. Năm 2012, một nhóm học sinh tình nguyện của Singapore đến thăm bản Giang Mỗ và họ đã hỗ trợ xây dựng 2 nhà vệ sinh tự hoại cho 2 gia đình nghèo nhất của xóm.

          Bên cạnh những khó khăn trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xã Bình Thanh còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong việc nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Xã Bình Thanh hiện có 45 bể nước công cộng. Các công trình bể nước công cộng này do thiết kế ban đầu không hợp lý cộng với việc đường ống qua quá trình sử dụng bị hỏng nhưng chưa được khắc phục nên người dân không sử dụng được nguồn nước từ những chiếc bể này. Đồng chí Đinh Văn Vinh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bình Thanh, người trực tiếp phụ trách mảng NS-VSMT của xã khẳng định: Gần 90% người dân trên địa bàn xã được sử dụng nước từ giếng của các hộ gia đình. Theo đánh giá cảm quan ban đầu, nước người dân sử dụng là nước không màu, không mùi và không vị lạ. Việc có chứa thành phần gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hay không thì xã chưa có điều kiện xác định. Do vậy, chỉ có thể nói 90% người dân trên địa bàn xã được sử dụng nước, còn hợp vệ sinh hay chưa thì cũng chưa có cơ sở để khẳng định.

          Ngay với xã Dũng Phong, đơn vị phấn đấu về đích vào cuối năm nay (hiện đã thực hiện được 16 tiêu chí) thì việc thực hiện tiêu chí môi trường cũng gặp không ít khó khăn. Theo đồng chí Bùi Văn Sắng, Chủ tịch UBND xã thì khó khăn nhất trong thực hiện tiêu chí môi trường hiện nay là chưa có kinh phí để xây dựng nghĩa trang. Hiện tại xã đã có bãi rác thải nhưng chưa có xe chở rác phải sử dụng nhờ xe của thị trấn Cao Phong mỗi tuần chỉ có thể chở được 2 lượt. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều xã trên địa bàn huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết hiện nay phòng đã lên kế hoạch chi tiết về việc thực hiện tiêu chí môi trường ở 12 xã, trong đó sẽ ưu tiên tập trung vào các xã điểm của tỉnh và của huyện. Theo đó, xã Dũng Phong sẽ được Nhà nước đầu tư 3,5 tỷ đồng để thực hiện tiêu chí này. Trong đó, xã dành 2 tỷ đồng để xây dựng nghĩa trang và 1,5 tỷ đồng dành để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thu gom rác thải.

          Từ thực tế trên, các xã trên địa bàn huyện Cao Phong rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền các cấp, trong đó có việc ưu tiên dành nguồn kinh phí cho việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền và các hội, đoàn thể cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân trong việc chỉnh trang khu dân cư, cải tạo khuôn viên hộ gia đình, xây dựng các công trình vệ sinh sạch sẽ; xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường… Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sức khoẻ của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Hy vọng, trong thời gian tới, chính quyền các cấp sẽ quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc thực hiện tiêu chí môi trường để các xã nông thôn mới tạo được sự hài hòa trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng./.