DetailController

Tin từ các đơn vị

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội

24/07/2020 00:00
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4, BCH TƯ (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chương trình hành động số 14, ngày 17/12/2012 của Tỉnh ủy và Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn 2017 – 2020, cùng với nguồn vốn NSNN, nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân, đã được huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội với tổng vốn đầu tư trên 67 nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng khu trung tâm thành phố Hòa Bình được quy hoạch, xây dựng bài bản, tạo diện mạo khang trang cho tỉnh

Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã tập trung đầu tư mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn qua, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư như đường Hòa Lạc – tp Hòa Bình, đường tỉnh 433, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn – Tân Lạc, đường Hang Kia – Cun Pheo – Quốc lộ 6, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2, cầu trắng- tp Hòa Bình; một số dự án đang tiếp tục được triển khai như: Đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La)….Ngoài ra nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã được đầu tư, nâng cấp. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 10.446 km đường bộ, số được bê tông hóa, nhựa hóa, đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao; có 12 bến xe khách và 01 trạm dừng nghỉ đạt chuẩn thuộc 8 huyện, thành phố. Trên địa bàn có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa. Bên cạnh việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng duy trì hoạt động 2 cảng và 28 bến thủy nội địa đảm bảo hoạt động tốt, giai đoạn qua đã xây mới 4 cảng trên sông Bôi, tổng đã có 32 bến thủy nội địa.

Để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, hệ thống các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư đúng mức. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.995 công trình thủy lợi, 3.739 km kênh mương tưới các loại, trong đó đã kiên cố hóa được 1.820 km, đạt 48,9%, đảm bảo tưới chủ động cho trên 53 nghìn ha cây hàng năm. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Các nhà máy nước sạch đã và đang được đầu tư nâng công suất cấp nước sạch từ 39.660.000 m3/ngày đêm lên 45.660.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân. Hệ thống lưới điện được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài là 9.740km và 2.027 trạm; có 11 nhà máy thủy điện đang phát điện thương mại. Cùng với đó, hiện đang triển khai thực hiện dự án mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình và dự án năng lượng nông thôn 2, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và huy động các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng hạ tầng điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Đô thị trung tâm thành phố Hòa Bình và các thị trấn được đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng theo tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều khu dân cư mới, trung tâm thương mại được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó thành phố Hòa Bình dã hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại II và nâng cấp thị trấn Lương Sơn lên đô thị loại IV.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.900 ha đất. Từ năm 2017 đến nay đã giao chủ đầu tư hạ tầng được 1 khu công nghiệp và 05 cụm công nghiệp, KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Kết cấu  hạ tầng phục vụ thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 93 chợ. Hạ tầng CNTT phát triển nhanh và đồn bộ, mạng truyền dẫn đã được cáp quang hóa đến 10 huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng giáo dục và đào tạo được quan tâm, hàng năm ngân sách tỉnh dành 20% đầu tư cho giáo dục. Hiện toàn ngành giáo dục đã có 8.635 phòng học, trong đó 85% là phòng học kiên cố, bán kiên cố 8,3%. Mạng lưới hạ tầng y tế được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hạ tầng văn hóa khá phát triển, có 11 huyện, thành phố có nhà văn hóa, sân vận động và nhà thi đấu thể dục thể thao.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng được tăng lên, GRDP bình quân đạt 8,44%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghệp xây dựng tăng từ 41,14% năm 2016 ;ên 45,27% năm 2019; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,28% năm 2016 xuống còn 19,93% vào năm 2019. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn này đặt trên 61 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2016 xuống còn khoảng 8,56% vào năm 2020, trung bình mỗi năm giảm trên 3%./.