DetailController

Tin từ các đơn vị

Xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới

05/07/2024 16:58
Sau 03 năm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, Hội Nông dân các cấp đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương.
Hội viên HTX nuôi ong Yên Tân, xã Lạc Lương giúp nhau làm kinh tế

Đến nay, có 6/7 mục tiêu trong Đề án số 01-ĐA/TU  đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, cụ thể: Toàn tỉnh hiện có 15 cửa hàng nông sản an toàn (đạt 150%); 101 sản phẩm OCOP (đạt 126%); 100% cơ sở Hội tham gia tổ chức phối hợp giới thiệu quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh; xây dựng được 667 mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả (đạt 303%); có 75 Khu dân cư kiểu mẫu (đạt 185%) và 258 vườn mẫu (đạt 645%); Tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân tăng 1,78 lần; bình quân hộ hội viên đăng ký sản xuất giỏi các cấp đạt 53,6%; bình quân hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi đạt 57,3%.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 67 Khu dân cư kiểu mẫu, 181 vườn mẫu; Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 02 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 48 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh; 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên gồm có: 02 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 15 sản phẩm hạng 4 sao, 86 sản phẩm hạng 3 sao (giảm 55 sản phẩm OCOP được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019-2020 đến nay đã hết hạn và không tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định. Các sản phẩm OCOP Hòa Bình tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng. Thực hiện sản xuất quy mô lớn, tính đến nay đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha; sau dồn điền đổi thửa, nông dân tích cực đầu tư thâm canh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhóm nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qũy Hỗ trợ nông dân ngày càng tăng, trong 3 năm tăng trưởng nguồn vốn là 23,546 tỷ đồng (tăng 1,87 lần so với năm 2020), đến nay tổng số Quỹ HTND 63,645 tỷ đồng, đang cho vay 205 dự án cho 1.872 hộ vay. Các cấp Hội phối hợp với các Ngân hàng nhận ủy thác và Quỹ Hỗ trợ phát triển nông thôn, đến nay mức dư nợ tại đạt 3.980,441 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn của các Ngân hàng đã giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và hội viên nông dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp Hội Nông dân phát huy vai trò nòng cốt trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo xây dựng Hội Nông dân các cấp vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, thực sự là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, hướng mạnh về cơ sở; phát triển nguồn quỹ Hội thông qua các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Thực hiện rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển theo hướng sản xuất ngành hàng và yêu cầu thị trường; hằng năm, tổ chức rà soát đánh giá chất lượng lao động nông thôn để đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo nhu cầu, đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề, định hướng nghề, giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chú trọng dạy nghề theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp dạy nghề gắn với sử dụng lao động ở địa bàn nông thôn. Vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ kết nối để nông dân có hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, chất lượng và giá trị cao theo 3 trục: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm địa phương theo chương trình OCOP. Thúc đẩy phát triển đa dạng kinh tế hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giống mới, sản phẩm mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn; đào tạo cán bộ quản lý tổ hợp tác; hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn ngân sách địa phương và huy động từ nhiều nguồn để phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; ưu tiên giải ngân các dự án cho vay xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng quy mô sản xuất lớn, mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nghề nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị…/.