Mục đích hướng dẫn nhằm bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo, triển khai thực hiện, quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình, điển hình; làm căn cứ để đánh giá, xếp loại mô hình, công nhận điển hình, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Phát huy dân chủ, sáng tạo, tinh thần tự giác, tự nguyện của Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở. Công tác xây dựng, công nhận, nhân rộng mô hình, điển hình phải tuân thủ nguyên tắc chung của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp; Nhân dân làm chủ; lực lượng Công an làm tham mưu, nòng cốt. Việc xây dựng, công nhận, nhân rộng mô hình, điển hình phải thiết thực, phù hợp và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn, lĩnh vực.
Phương pháp thống kê mô hình: Khi thống kê số liệu mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cần ghi cụ thể tên mô hình cùng với tổng số “điểm” mô hình hiện có trên địa bàn và tổng số Tổ thực hiện mô hình (đối với “điểm” mô hình có nhiều tổ thực hiện). Trong đó: Tổng số “điểm” mô hình được thống kê tương đương với tổng số địa bàn được áp dụng nhân rộng mô hình từ một mô hình ban đầu. Địa bàn áp dụng nhân rộng mô hình có thể là địa bàn hành chính cấp huyện, cấp xã, cấp cơ sở (thôn, xóm, khu dân cư…) hoặc trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… Lưu ý: Mỗi “điểm” mô hình được đánh giá, xếp loại, đề xuất biểu dương, khen thưởng theo quy đinh như các mô hình độc lập khác. Tổ thực hiện mô hình gồm Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của mô hình. Mỗi mô hình, “điểm” mô hình có thể có một hoặc nhiều “tổ thực hiện mô hình”.
Thống kê mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần phân định với mô hình “dân vận khéo” của lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể khác tránh thống kê trùng lặp. Cụ thể: Mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng Công an và các Ban, ngành, đoàn thể khác do cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục quyết định xây dựng/thành lập; cán bộ chiến sỹ Công an, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của mô hình với mục đích phục vụ nhu cầu, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục - nơi xây dựng, nhân rộng mô hình quyết định xây dựng/thành lập mô hình; thực hiện hoạt động của mô hình trực tiếp do lực lượng quần chúng Nhân dân với mục đích góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở (đây chính là mục tiêu, yêu cầu xã hội hóa công tác bảo đảm an ninh, trật tự); lực lượng Công an làm nòng cốt trong tham mưu hướng dẫn, theo dõi hồ sơ mô hình đồng thời làm tốt công tác vận động Nhân dân đồng thuận, ủng hộ tự nguyện tham gia mô hình. Không thống kê mô hình không có nội dung bảo đảm an ninh, trật tự trong quy chế hoạt động.
Hằng năm, mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiêu biểu xuất sắc thì được đề nghị Ủy ban Nhân dân các cấp xem xét lựa chọn để chỉ đạo tổ chức phổ biến, nhân rộng đồng thời được xét khen thưởng theo Quy chế thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục xem xét, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong dịp sơ, tổng kết các chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…
Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh căn cứ hướng dẫn này tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục chỉ đạo triển khai, thực hiện. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/5), 1 năm (trước ngày 15/11) báo cáo kết quả công tác xây dựng, công nhận, nhân rộng mô hình, điển hình về Ban Chỉ đạo 09 tỉnh (qua Công an tỉnh - cơ quan thường trực). Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ Hướng dẫn số 94/HDUBMTTQ-CAT ngày 08/3/2021 của Công an tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về xây dựng và hoạt động mô hình trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo 09 tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện hướng dẫn này; thẩm định và tham mưu, đề xuất thông báo, phổ biến những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình, điển hình thực sự tiêu biểu; định kỳ 6 tháng, một năm tổng kết, báo cáo Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.