DetailController

Tin từ các đơn vị

Xác định nguyên nhân sụt, nứt đất tại xóm Khi – huyện Lạc Sơn

31/03/2014 00:00

Từ đầu tháng 2 đến nay, người dân trên địa bàn xóm Khi xã Ân Nghĩa huyện Lạc Sơn đang rất hoang mang vì những hố sụt, nứt đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn. Hiện nay, những hố sụt, nứt đất này đã mở rộng trên toàn bộ thung lũng đến tận rìa các chân đồi kế cận với chiều rộng khu vực nứt gần 200m và chiều dài gần 500m. Sau một thời gian khảo sát, đánh giá các cơ quan chức năng bước đầu đã đưa ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt, nứt đất trên.

 Tại khu xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình từ những ngày đầu tháng 2 hiện tượng sụt đất, kèm theo nứt đất và nứt một số nhà của người dân địa phương đã xảy ra khá dữ dội. Hố sụt lớn nhất có đường kính đạt xấp xỉ 10 m, sâu 2 - 3 m, kéo theo sạt lở một phần taluy đường dân sinh, gây nguy hiểm cho người dân địa phương. Đáng lưu ý là trong các ngày từ 23-2 đến 28-2  đã xuất hiện thêm hố sụt số 2 và số 3. Trong đó, hố sụt số 2 phân bố gần với hố số 1 cũng có kích thước tương tự làm tăng mức độ nguy hiểm đối với nhà anh Bùi Văn Lưu trên sườn đồi gần hố sụt.

Một số hố sụt khác cũng xuất hiện trong vùng thung lũng nhưng kích thước nhỏ hơn. Điều đáng nói là những hố sụt này kèm theo hiện tượng sụt đất đã xảy ra nứt đất tạo thành các vết kéo dài 40 - 50 m. Một số nhà dân trong khu vực trên các sườn đồi thấp cũng bị nứt kèm theo hiện tượng nứt sụt đất, gây hoang mang lo lắng và đảo lộn cuộc sống của một số gia đình. Theo người dân địa phương thì hiện tượng sụt và nứt đất tại khu vực xóm Khi đã xuất hiện từ nhiều tháng trước. Thời gian đầu hiện tượng nứt sụt chỉ xuất hiện tại khu vực gần với của một lò khai thác than. Tuy nhiên, hiện tượng này bắt đầu phát triển mạnh và mở rộng từ sau Tết Nguyên đán. Đến nay các hố sụt này đã xuất hiện trên toàn bộ thung lũng đến tận rìa các chân đồi kế cận với chiều rộng khu vực nứt gần 200m và chiều dài gần 500m.

Theo các cơ quan chức năng hiện tượng nứt sụt đất và các các hiện tượng có liên quan xuất hiện trong khu vực này ở những dạng như sụt đất tạo thành hố sâu rộng hình thành do một phần đất ruộng bị sụt xuống sâu tạo thành hố hẹp. Kích thước hố lúc đầu chỉ khoảng 3-4m, sâu có thể đạt từ 0,5m đến 3-4m nhìn thấy được, có nơi sâu hơn nhưng đã chứa nước và rất nguy hiểm nên không đo đạc được. Sau đó hố được mở rông dần tới hàng chục mét. Khi xuất hiện hố mới thường kèm theo tiếng động mạnh do đất bị sụt ngầm từ dưới sâu. Hiện tại các hố sụt hình thành tập trung thành hai dải chính. Trong đó, dải rìa phía bắc thung lũng đã hình thành nên hai hố sâu nằm gần nhau, cách nhau gần 10m. Cả hai hố phân bố phía trước cổng nhà Ông Bùi Văn Lưu sát đường đi làm sạt từ 2-3m chiều rộng của đường, còn lại là nằm trên phần thân ruộng. Hố sụt thứ 2 hình thành ngay trên vị trí của một giếng đào cũ cách đây 4  năm.

Dải thứ hai xuất phát từ moong khai thác than ở đầu tây bắc thung lũng,  kéo dài theo phần trung tâm của trũng về phía đông nam tạo thành chuỗi 5 hố dài gần 500m. Trong chuỗi này chỉ có hố sụt gần moong khai thác than là lớn nhất nhưng đã bị lấp lại. Các hố sụt về sau đều có kích thước nhỏ 2-3m với chiều sâu tầng đất bị sụt nhìn thấy được dưới 1m. Hiện còn hai hố hai đầu là còn giữ nguyên hình dạng và ngày càng được mở rộng thêm. Hai hố ở giữa đã bị lấp ngay do quá trình làm đất canh tác, nhưng nước vẫn bị tiếp tục mất do bị hút xuống sâu tại những vị trí này.

Nhằm ổn định cuộc sống của người dân tại đây, chính quyền địa phương huyện Lạc Sơn, xã Ân Nghĩa đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, trong đó có tìm giải pháp khắc phục. Việc triển khai khảo sát nghiên cứu nhằm đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng tránh ngay sau đó đã được triển khai trong khuôn khổ một đề tài đột xuất là “Khảo sát dự báo khoanh vùng nguy cơ  sụt đất khu xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, đề xuất giải pháp phòng tránh” do đối tác là Viện Địa chất - Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện. Theo đó, từ 20-2 đến nay đã tiến hành được một khối lượng đáng kể các khảo sát bằng các phương pháp địa chất, kiến tạo và đo địa vật lý. Trong đó các khảo sát bằng phương pháp địa chất, kiến tạo đã tiến hành tại hơn 30 điểm cả ở khu vực xóm Khi và lân cận trong bán kính đến gần 3 km. Ngoài việc đo vẽ các hố sụt, các vết nứt khu vực xóm Khi, công tác khảo sát địa chất, kiến tạo còn quan tâm khảo sát phân bố các thành tạo địa chất, các đới đứt gãy và các dấu hiệu hoat trong tân kiến tạo và hiện đại của chúng. Các khảo sát bằng phương pháp địa vật lý gồm đo địa chấn và thăm dò điện đã được thực hiện tập trung vào khu vực xảy ra sụt đất, nứt đất ở xóm Khi, nhằm phát hiện các vùng đất yếu, các đới phá hủy và hang hốc ngầm trong lòng đất...

Qua liên kết các kết quả khảo sát nghiên cứu về điều kiện địa chất, kiến tạo với hiện tượng sụt đất nứt đất khi vực xóm Khi có thể thấy rằng, hiện tượng nứt sụt thung lũng này nằm hoàn toàn trong vùng ảnh hưởng của các đứt gãy bậc cao  thuộc đới đứt gãy sông Đà. Việc hình thành thung lũng xóm Khi với chiều dày tầng đất đá bở rời lên đến trên 60m và có nhiều đứt gãy cắt qua cho phép khẳng định đây là một bồn sụt lún tương đối mạnh trong Đệ Tứ, có nghĩa là hoạt động tạo ra vùng trũng xảy ra mạnh mẽ. Thêm vào đó ở vị trí xóm Khi trong một vùng nhỏ đã phát hiện được đến 4 đứt gãy kích thươc nhỏ chạy qua. Điều này nói lên rằng hoạt động tạo ra vùng trũng của đới đứt gãy sông Đà tại đoạn này đã băm nát các lớp đất đá trể gần bề mặt. Với bức tranh cấu truc như vậy có thể nói, bồn Đệ Tứ ở đây là kiến trúc xung yếu, các thành tạo bở rời lấp trong bồn nằm trong trạng thái không ổn định.

Theo kết quả khảo sát bằng phương pháp thăm dò điện thì trong khu vực xóm Khi, các vùng có điện trở suất thấp liên quan đến khả năng chứa nước. Có thể thấy tại đây khả năng có 2 tầng chứa nước. Tầng nông  phổ biến đến độ sâu 25 - 30 m, có nơi tầng này xuất hiện từ ngay gần mặt đất. Tầng sâu hơn có khả năng xuất hiện từ độ sâu hơn 40 - 45 m hoặc sâu hơn. Hai tầng này ngăn cách với nhau bằng lớp đất có điện rở suất cao hơn, nhiều chỗ lớp này khá mỏng chỉ khoảng dưới 10 m, có nơi hai tầng này có dấu hiệu thông nhau.

          Với các đặc điểm như trên có thể thấy các lớp đất đá gần bề mặt trong thung lũng xóm Khi dễ bị biến động trước những tác động từ bên ngoái như động đất, mưa lũ dữ dội dài ngày và các hoạt động  nhân sinh có cường độ lớn như khai thác nước ngầm, gây chấn động mạnh… Mức độ biến động đến mức có thể gây ra nứt sụt đất dữ dội nhiều khả năng do khai thác nước lưu lượng lớn ở tầng sâu. Ngoài khả năng như vừa nêu thì trong khu vực nghiên cứu đã có các hoạt động khai thác than trong những năm vừa qua, hiện trạng hầm lò khai thác cũng như hoạt động bơm nước của mỏ cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng. Thêm vào đó, theo cấu tạo địa chất thì phần dưới sâu trong đá gốc của vùng có mặt hệ tầng Đồng Giao có thành phần chủ yếu là đá vôi. Cũng có thể ở đó có các khe nứt lớn do hoạt động karst tạo nên làm mất nước nhanh cũng không loại trừ khả năng gây sụt.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)