DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Vươn lên từ nguồn vốn vay ưu đãi

23/12/2010 00:00
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCS) cùng với sự đầu tư đúng hướng, những năm qua nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh ta đã mạnh dạn phát triển kinh tến gia đình vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Ông Đinh Viết Nga (thương binh 4/4) ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc vay vốn từ Ngân hàng CSXH tổ chức nuôi lợn, nhím và trồng rừng mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng

Theo ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hòa Bình, trong những năm qua Chi nhánh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức làm việc để không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, đảm nhận cho vay 10 Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ tính đến hết năm 2010 ước đạt 1.234 tỉ đồng tăng gần 240 tỉ đồng so với năm 2009. Mạng lưới giao dịch của Chi nhánh đã phủ rộng tới mọi địa bàn với 208 điểm giao dịch ở tất cả 210 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Từ nguồn vốn được phân bổ hằng năm, Chi nhánh đã thực hiện cho vay đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình... Trong đó, riêng năm 2010, Chi nhánh đã cho hơn 13.000 lượt hộ nghèo và 4.061 hộ dân vùng khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh đưa tổng số khách hàng còn dư nợ lên 130.000 hộ. Nhờ đó hàng chục nghìn hộ dân ở tỉnh ta đã thoát nghèo, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra Chi nhánh còn cho gần 19.000 lượt HSSV vay vốn để đi học và 6.348 hộ dân có khó khăn về nhà ở vay vốn để làm nhà góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn.

    Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Bôi, ở xóm Vôi, xã Mường Vôi, là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH ở huyện Lạc Sơn. Anh Bôi kể, những năm trước đây, dù rất cố gắng làm ăn nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn khó khăn. Cách đây 3 năm, nhờ được vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,9%/tháng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH, anh đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu bò. Hiện trong chuồng nhà anh có 2 con lợn nái và 5 con trâu. Mỗi năm 2 con lợn nái cho khoảng 45 con lợn con, anh giữ lại 10 con nuôi bán thịt, còn lại là bán giống. Với ba con trâu nái, cứ 3 năm nhà anh có thêm 4 nghé con để nuôi bán thịt. Cùng với chăn nuôi, gia đình anh Bôi còn trồng lúa nước và ngô. Anh tận dụng được nguồn ngô nhà trồng được để làm thức ăn cho chăn nuôi, ngược lại có nguồn phân chuồng làm phân bón cho lúa và ngô. Anh phấn khởi chia sẻ “Hiện mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Dù dư sức trả nợ ngân hàng, nhưng năm nào tôi cũng như nhiều hộ trong xóm đều đáo nợ rồi vay tiếp để mở rộng sản xuất hơn nữa”.
 
    Ngoài việc cho vay phát triển kinh tế, Ngân hàng CSXH cũng đã triển khai cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Năm 2008, gia đình anh Bùi Văn Phòng, cũng ở Xóm Vôi được Ngân hàng CSXH cho vay 4 triệu đồng theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã đào một giếng khoan. Nhờ đó, đến nay gia đình anh đã có nước hợp vệ sinh để dùng và không còn lo thiếu nước trong mùa khô.
 
   Ông Đặng Châu Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn cho biết, khi người dân có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất luôn được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải quyết. Ồng Đặng Châu Sơn đánh giá, hầu hết nguồn vốn đều được sử dụng khá hiệu quả, nhiều hộ đã đầu tư vào các mô hình kinh tế như: phát triển sản xuất; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng. Từ nguồn vốn vay này đã nhiều hộ ổn định cuộc sống, vươn lên làm ăn khá, có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt như tivi, xe máy...Theo ông Vũ Đình Đoài, hiện toàn tỉnh có 2.748 tổ vay vốn, với tổng dư nợ 115,2 tỉ đồng. Trong đó: có 772 tổ vay vốn của Hội Nông dân với dư nợ vay 31,1 tỉ đồng; 752 tổ của Hội Phụ nữ với dư nợ 33 tỷ đồng; 634 tổ của Hội Cựu chiến binh với dư nợ 26,3 tỉ đồng; 593 tổ của Đoàn Thanh niên với dư nợ 24,8 tỉ đồng. Đáng mừng là tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,7%. Đặc biệt, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ trương này nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo làm quen với tín dụng, tài chính, qua đó có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, tạo thêm nguồn vốn để mở rộng việc cho vay trên địa bàn toàn tỉnh.
 
 Có thể nói, trong những năm qua nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH cùng với sự đầu tư đúng hướng, các hộ vay vốn, đặc biệt là các hộ nông dân và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn của tỉnh Hòa Bình đã phát huy triệt để nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./