DetailController

Kinh tế

Vùng động lực phát triển đồng bộ các lĩnh vực sản xuất

21/10/2022 00:00
Những năm qua, nhiều kế hoạch, chương trình hành động đã được triển khai nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, du lịch…vùng động lực. Đến nay, vùng động lực đã đóng góp 84% thu ngân sách nhà nước và 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, có 71,3% số doanh nghiệp, 56,87% tổng số dự án vào tỉnh được triển khai thực hiện tại địa bàn vùng động lực. Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Vùng công nghiệp của tỉnh tập trung 7/8 khu công nghiệp, 10/21 cụm công nghiệp, chiếm tới 79% tổng số dự án thuộc lĩnh vực này trên toàn tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hòa Bình, đến nay phạm vi vùng động lực trên địa bàn tỉnh bao gồm: thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và 06 xã, thị trấn của huyện Lạc Thủy (bao gồm các xã Phú Thành, Phú Nghĩa, Yên Bồng, Đồng Tâm, thị trấn Chi Nê và thị trấn Ba Hàng Đồi).

Nhờ thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng động lực có những bước chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp hơn với nhu cầu thị trường để tận dụng tốt vị trí tiếp giáp Thủ đô, nâng cao giá trị thu được trên đơn vị diện tích canh tác. Diện tích gieo trồng cây lương thực bình quân hàng năm của vùng đạt khoảng 24-25 nghìn ha, sản lượng lương thực cây có hạt trung bình đạt khoảng 7,2 vạn tấn/năm. Đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng như rau an toàn tại huyện Lương Sơn, cây ăn quả có múi tại huyện Lạc Thủy,... Tại các vùng sản xuất đã có 30 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 410,52 ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... với nhiều cơ sở điển hình sản xuất có quy mô, sản lượng lớn để tiêu thụ, có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu.

Về chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các trang trại, gia trại nuôi lợn, gà công nghiệp tập trung, với sản lượng lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi của tỉnh đều nằm trên địa bàn huyện Lương Sơn, Lạc Thủy. Phát triển các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương, đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả, như mô hình HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy; HTX Liên kết tiêu thụ sản phẩm dê huyện Lương Sơn; HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa Hồng Vân, huyện Lương Sơn....Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi, đặc biệt là hồ Hòa Bình thuộc thành phố Hòa Bình. Một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất và đã thu được kết quả tốt như: Cá trắm đen, cá lăng, cá hồi, cá dầm xanh, cá chiên,... Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình VietGAP, thủy sản hữu cơ để gia tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, đến nay đã triển khai được 01 mô hình sản xuất chuỗi cá sông Đà theo chuỗi giá trị và 04 dự án “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị”.

Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương trong vùng ngày càng được nâng cao và duy trì ổn định qua các năm; đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của thành phố Hòa Bình đạt 48,61%, Lương Sơn đạt 42% và Lạc Thủy đạt 46,04%. Nhìn chung, tiềm năng phát triển lâm nghiệp không phải là thế mạnh của vùng động lực. Hàng năm giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của vùng động lực chiếm tỷ lệ nhỏ so với toàn tỉnh. Diện tích rừng tự nhiện, rừng trồng chủ yếu đảm bảo chức năng môi trường, kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng; bộ mặt nông thôn trong vùng từng bước được đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến rõ rệt, đời sống của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện. Trước khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830/NQ- UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; huyện Lương Sơn đến năm 2019 đã có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; các xã thuộc huyện Lạc Thủy trong vùng động lực đều đã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Kỳ Sơn có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, đến nay có 24/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 96% tổng số xã của vùng, còn xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình chưa đạt chuẩn nông thôn mới; 3/3 huyện, thành phố hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng được đẩy mạnh; đến nay, toàn vùng có 37 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, chiếm 37% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh, trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 40,9% và 28 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 35,89%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, với việc tập trung 7/8 khu công nghiệp, 10/21 cụm công nghiệp nên vùng động lực là khu vực thu hút hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, vùng động lực có 290 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, khai thác khoáng sản, chiếm tới 79% tổng số dự án thuộc lĩnh vực này trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trong vùng động lực ước đạt 36.933 tỷ đồng, chiếm 86,54% giá trị sản xuất của cả tỉnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn vùng phát triển tương đối đa dạng, các loại hình dịch vụ đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của vùng động lực năm 2022 ước đạt 34.000 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng mức lưu chuyển của cả tỉnh. Phần lớn siêu thị, trung tâm thương mại tập trung tại vùng động lực (có 05 siêu thị, 03 trung tâm thương mại). Các thương hiệu bán lẻ lớn trong nước đã có mặt tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy như: VinGroup, siêu thị Điện máy xanh, hệ thống bán lẻ kỹ thuật số FPT Shop, Điện máy Media Mart…

Là khu vực có trình độ phát triển khá về giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường, lớp học được chú trọng đầu tư, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao. Đến nay toàn vùng hiện có 161 trường mầm non, phổ thông các cấp; trong đó có 117 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,7%. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển mạnh, trên địa bàn vùng có 02 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 01 trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, 01 trung tâm Giám định Y khoa, 01 trung tâm Giám định pháp y, 02 phòng khám đa khoa, 01 bệnh viện tư nhân, 03 trung tâm y tế tuyến huyện và 50 điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn; qua đó chất lượng khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được nâng cao và có tính vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các sự kiện lớn của tỉnh chủ yếu đều nằm và diễn ra tại vùng động lực…/.