DetailController

Thời sự trong ngày

Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trên đà tăng trưởng

04/06/2021 00:00
Tính đến ngày 30/4/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 30.716 tỷ đồng, ước đến hết tháng 5/2021 sẽ tăng 7,5% so cuối năm 2020. Trong đó, vốn huy động trong các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 23.728 tỷ đồng, tăng 1.713 tỷ đồng; vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng ổn định. Riêng hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 76,5% so với vốn huy động.
Tính đến ngày 30/4/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 30.716 tỷ đồng, ước đến hết tháng 5/2021 sẽ tăng 7,5% so cuối năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, dưới sự tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng chi nhánh triển khai các biện pháp hỗ trợ, như: cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, một số Ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Viettin đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn, trung hạn hoặc ngân hàng thương mại VP Bank triển khai sản phẩm cấp vốn tín chấp trực tuyến. Với lãi suất ưu đãi, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Đến hết ngày 30/4/2021, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng toàn địa bàn đạt 26.039 tỷ đồng, ước thực hiện đến hết tháng 5/2021, tổng dư nợ tăng 6,5% so với năm 2020. Nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh là 351 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ.

Bằng nhiều cách khác nhau, ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân giảm bớt khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, các ngân hàng đã giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất hiện từ 4,5%/năm, đối với Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh thông thường hiện đang ở mức 7-10,5%/năm, trung hạn và dài hạn 5,9-12,7%/năm; các Quỹ tín dụng nhân dân ở các mức ngắn hạn từ 9,1-10,2%/năm, trung dài hạn từ 10,2-11,6%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng ngắn hạn dao động từ 7-11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5-13%/năm; Quỹ tín dụng nhân dân từ 11-12,2%/năm. Tuy nhiên, việc cắt, giảm lãi suất trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, vẫn mang tính tạm thời. Do đó, các doanh nghiệp, cá nhân cần phải xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn, phương thức sản xuất linh hoạt, phù hợp, hiệu quả đảm bảo khả năng trả nợ và khôi phục, phát triển ngành nghề.

Trong hoạt động huy động tiền gửi, các ngân hàng áp dụng lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng của các tổ chức tín dụng từ 0,1-0,2%/năm. Lãi suất tiền gửi có thời hạn dưới 6 tháng được các Ngân hàng duy trì ở mức tối đa từ 3,1-3,9%/năm và các Quỹ tín dụng nhân dân duy trì ở mức 4-4,2%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên đối với các Ngân hàng dao động ở mức 3,3-6,8%/năm và đối với các Quỹ tín dụng nhân dân là 5-6,2%/năm, riêng kỳ hạn trên 12 tháng từ 5-6,5%/năm.

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; từng bước chuyển dịch cơ cấu tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ,doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải quyết nợ xấu, thời gian qua, các Ngân hàng đã hạ lãi suất huy động, đa dạng hình thức vay, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các Ngân hàng đã và đang triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, đảm bảo hoạt động của Ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống./.