DetailController

Văn hóa

Về Nơi mở đầu chiến dịch Hòa Bình

30/09/2011 00:00
Tính ra, trận đánh Tu Vũ (Thanh Thủy - Phú Thọ) mở đầu chiến dịch Hòa Bình 1951 - 1952 đã qua 60 năm. Thời gian trôi qua, người xưa không còn, cảnh cũ đã đổi thay quá nhiều nhưng vẫn còn lại đài bia ghi công chiến thắng lịch sử ấy bên dòng sông Đà. Từ nơi khởi đầu ấy đã mở ra và nối tiếp những chiến công của quân và dân tỉnh ta trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952 cũng như những bước phát triển mới trong đấu tranh, phát triển KT-XH ở Hòa Bình.
Cầu Hoà Bình qua sông Đà – nơi cách đây gần 60 năm đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong chiến dịch Hoà Bình 1951-1952.

Ngược dòng lịch sử, sau thất bại ở chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, tiếp đó lại bị đánh mạnh ở đường 18, Hà Nam Ninh, quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Để giành lại quyền chủ động, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Đà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm thực hiện âm mưu tăng cường khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với các liên khu 3 và 4. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thị xã Hòa Bình, đập tan phòng tuyến sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Tham gia chiến dịch tấn công quân Pháp do 3 đại đoàn chủ lực của ta phối hợp cùng với LLVT địa phương tiến đánh ở Hòa Bình - Sơn Tây. Sau 3 đợt công kích, ta đã đập tan phòng tuyến sông Đà, làm chủ tuyến giao thông đường sông lên Hòa Bình của địch. Đồng thời uy hiếp tuyến giao thông đường 6 lên sông Đà mà địch đang kiểm soát. Đứng trước thực tế đường sông bị cắt đứt, đường 6 bị uy hiếp, thị xã Hòa Bình liên tục bị tập kích. Hòa Bình đứng trước nguy cơ cô lập và bị tiêu diệt, từ ngày 22 - 24/2/1952, quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình. Tổng kết chiến dịch Hòa Bình, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 quân Pháp, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến, phá hủy 12 khẩu pháo và hàng trăm xe vận tải, thu 24 khẩu pháo, giải phóng khu vực Hòa Bình - sông Đà, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với các liên khu 3, 4 góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Chiến dịch làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc bộ của Pháp. Trong chiến dịch này, quân và dân tỉnh ta đã đóng góp hàng nghìn ngày công chi viện lương thực, thực phẩm cho bộ đội, tham gia, phối hợp hàng chục trận đánh, tiêu diệt lượng lớn sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

 

Dù đã 60 năm trôi qua, hình ảnh và những vật chứng chiến tranh như những chiếc xe tăng, tàu chiến đang được trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng tỉnh như là một chứng tích cho những chiến công oai hùng của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp công sức rất lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh ta vào thắng lợi chung đó. Tiếp nối chiến công đó, trải qua chặng đường 60 năm từ vị thế của những người bị chịu 2 tầng áp bức bóc lột của Thực dân và phong kiến tay sai, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã vươn lên mạnh mẽ, tạo được những bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Bộ mặt KT-XH của tỉnh đã có sự chuyển biến toàn diện. Sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh theo hướng bền vững. Sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Thu nhập bình quân không ngừng tăng lên, đến năm 2010 đạt 13,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, hiện chỉ còn 13,8% (tiêu chí cũ). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 80% số phòng học được kiên cố hóa, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 99%. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mạnh mẽ, nguồn lực con người được quan tâm, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển rộng khắp. Toàn tỉnh có trên 72% số xóm, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, 80% số hộ đạt gia đình văn hóa. Bộ mặt đô thị, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong 60 năm trước giờ đã đổi khác, từng bước trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng với tầm vóc lịch sử trong chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc.