Mỗi làng quê đều có một dòng sông, người dân đôi bờ sông ấy có những kỷ niệm riêng, những được mất, buồn vui mà dòng sông mang lại. Tôi sinh ra phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà, một làng Mường mà “chất Mường” đã phôi pha đi nhiều, dẫu vùng đất này mới “khai thiên, phá thạch” khoảng mười đời, từ lời ăn tiếng nói, nhà cửa đến những phong tục, tập quán khác. Có người ví: so với làng Mường cổ xưa, làng tôi bây giờ như vùng “nước lợ”! Không biết nên vui hay nên buồn? Sáng mở cửa là gặp dòng sông Đà, dẫu từ nhà tôi ra đến sông còn phải qua một cánh đồng. ở đó thấp thoáng bóng dáng bà con thân thích sớm chiều lam lũ, tôi và dòng sông đã song hành với nhau theo những thăng trầm của đời người- đời sông.
Dòng sông khi chưa có những tác động lớn của con người, nó cũng hồn nhiên, vô tư và phóng túng như tuổi thơ con người vậy. Dòng sông có hai mùa rõ rệt.
Mùa khô, dòng sông thu hẹp, bãi phù sa nổi lên như miếng tiết gà giữa sông, sau khi lùa trâu ra giữa bãi soi ăn cỏ, lũ trẻ chúng tôi leo trèo tìm tổ sáo, thu gom củi sông - đó là những mẩu cây đen nhánh, nhẵn bóng trong cát, buộc thành hai bó vắt lên lưng trâu như lạc đà đèo hàng qua sa mạc.
Nhưng thú vị nhất với chúng tôi là mùa mưa - mùa nước lên. Tất cả các con ngòi, cánh đồng hai bên bờ sông đầy ắp nước. Những chiếc buồm nâu kéo thuyền xuôi ngược êm ru theo chiều gió. Ngày lặng gió, một chuỗi người (trong đó có lũ trẻ con chúng tôi) gò lưng kéo thuyền ngược, đó là những thuyền buôn chuyến từ Việt Trì lên chợ Phương. Bố tôi kể lại, ngày trước còn có tàu thủy của nhà buôn Bạch Thái Bưởi, nghe đâu ông ta bị người Pháp chèn ép quá, không thấy lên ăn hàng nữa.
Mùa nước lên là mùa kiếm cá, vạn chài và dân hai bên bờ như vào hội. Cửa các con ngòi là nơi bám trụ của các vó bè, kẽo cà kẽo kẹt thâu đêm suốt sáng, cá măng, cá mương, cá trôi là những con “ăn nổi” nên thường chui vào vó bè. Cá ngạnh, cá chép, cá bò là những con “ăn chìm” thường chui vào cụp của mấy bác lặn cụp buổi sáng. Những người kiếm cá thường biết nhường nhịn nhau, dẫu mỗi người có nghề kiếm cá riêng. Mấy người đánh lờ thì vật vờ chiếc thuyền cóc nơi bãi lau, bãi sậy, nơi chân ruộng còn trơ gốc rạ, bắt những con rô, con diếc, con chày... là những con cá thường “ăn mảnh” một mình.
Đầu mùa nước vào đồng, tôi thường ngồi sau lái thuyền cho bố tôi đi đâm cá cày. Những con cá chép to như cái quạt nan, hăm hở chui đầu vào gốc rạ kiếm ăn, tăm sủi lên mặt nước như pháo hoa đêm hội. Người đâm cá phải có kinh nghiệm mới đâm trúng, khi đâm trúng tôi phải giữ cây đinh hai trên thuyền cho chắc, còn bố tôi phải lặn xuống tóm cổ con chép đưa lên thuyền, một bữa gỏi cá ngon lành lại đến.
Vào giữa mùa nước lên, đêm nghe con nước vỗ ngoài sông mà lạnh gáy, ngày nghe con cá măng ầm ào đuổi bắt cá con trên đồng - lại cá lớn nuốt cá bé rồi - bố tôi thở dài bảo thế. Tôi đã chứng kiến đôi lần cá sông “ối”, những cánh rừng có lá độc nơi thượng nguồn bị lũ cuốn, khi va đập vào thác, ghềnh khiến các chất độc hòa tan vào nước sông làm cho cá ngộ độc. Người già thường hù dọa chúng tôi là Sơn Tinh, Thủy Tinh đánh ghen để chúng tôi không ra sông bắt cá.
Cuối mùa mưa lũ, chúng tôi lại vào mùa đơm đó, bắt cá tép làm mắm tép. Ruộng bậc thang trở thành cái bẫy cho lũ cá tép ngờ nghệch, chỉ còn cách chui hết vào “cái đó” theo dòng nước rút. Những bản làng ven sông nhà nào cũng đầy chum, đầy vại mắm tép, mắm “con chì”- cá to chặt ra từng khúc ướp muối thính. Mùi mắm chưng, mùi thính thơm lừng ngõ xóm.
Mùa nước lên cũng là mùa chạy lụt cho lúa “ xanh nhà hơn già đồng”. Gặt lúa trong nước, chất lúa lên thuyền ngoi ngóp trên đồng nước là cảnh tượng thường gặp vùng hạ lưu sông Đà.
Những năm tháng tuổi học trò của chúng tôi đi qua sông Đà chỉ là những con đò bằng thuyền nan, chưa có thuyền gỗ, thuyền vỏ sắt như bây giờ.
Vùng hạ lưu sông Đà duy nhất có chiếc cầu phao ở thị xã Hòa Bình; mùa mưa lũ lại phải tháo dỡ thay vào đó là những chiếc thuyền máy. Những ngày ấy còn vang lên trong chúng tôi bài hát với lời ca: “ Ai lên sông Đà, sông có nhiều thác ghềnh đấy - Nhớ đừng trách em”. (Lời sông Đà - nhạc sĩ Tống Đức Minh). ôi! Sao mà mộc mạc, thân thương, da diết thế hỡi sông Đà?
Tốt nghiệp đại học ngành giấy - Xellu lôgia cũng là lúc một nhà máy giấy được xây dựng ngay tại làng tôi đi vào sản xuất, nằm ngay cạnh bờ sông Đà. Do yêu cầu vận chuyển và cung cấp nguồn nước nên các nhà máy giấy đều đặt cạnh dòng sông. Vùng nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy là những cánh rừng tre, nứa tự nhiên dọc hai bờ sông Đà, nhiều nhất là các xã thuộc huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu. Rừng cứ lùi dần theo năm tháng lên phía thượng lưu, chúng tôi phải vươn lên các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La (Sơn La). Những năm tháng lo toan cho nhà máy có đủ nguyên liệu sản xuất là những cuộc vật lộn với sông nước. Mùa cạn bè không vào sát bến, mùa mưa lũ lại đứt cáp trôi bè. “Nhất thủy, nhì hỏa” - người xưa dạy thế. Có người công nhân qua sông bị đắm thuyền phải huy động người và phương tiện đi tìm dọc sông cả tuần lễ. Sông Đà với chúng tôi là niềm vui, là mồ hôi nước mắt và cả xương máu nữa. Nhạc sĩ Quang Huy đã viết tặng nhà máy bài hát với lời ca rất hay “Dòng sông Đà cuồn cuộn trôi - Đưa nước ra biển khơi - Trăm con suối trên đầu nguồn - Thành một dòng sông lớn - Như bao người con các dân tộc - Cùng góp sức về đây...”. Đó là niềm vui của chúng tôi những năm tám mươi của thế kỷ trước.
Trước xu thế hội nhập đổi mới của đất nước, cùng với con người, dòng sông Đà cũng vào cuộc. Nguồn năng lượng của chính dòng sông từ bao đời nay cứ trôi hoài về biển cả. “ Nguồn than trắng vô biên” Đó là lời bài thơ “Dòng sông quê anh - Dòng sông quê em” của họa sĩ Lai Vu do nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ nhạc đã dẫn dụ bao người con của đất nước đến với sông Đà. Thiếu nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt là thách thức với cả nước cũng như nhà máy chúng tôi. Với những tổ máy điện chạy dầu cũ kỹ không thể duy trì sản xuất 24/24h trong ngày, chưa nói đến hiệu quả SX-KD. Để khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình đã có một đường dây cao thế 35 KV từ Hà Đông lên bờ trái sông Đà. Chỉ có những phụ tải nào liên quan trực tiếp đến công trình thủy điện mới được dùng điện lưới. Một vấn đề lớn đặt ra: Để đổ bê tông khối lớn, nhà máy thủy điện Hòa Bình cần một khối lượng lớn chất phụ gia. Trước đây, thủy điện Thác Bà phải nhập từ Liên Xô. Các nhà khoa học vật liệu xây dựng tập trung nghiên cứu giải quyết nguồn phụ gia có trong nước. Họ đã đến với nhà máy giấy để nghiên cứu chất thải từ khâu nấu bột, nhà máy giấy Hòa Bình chúng tôi là cơ sở gần nhà máy thủy điện nhất, có ưu thế hơn cả. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhà máy chúng tôi coi đó là cơ hội để vừa tận thu được một nguồn lợi lâu nay đổ ra sông và tạo thế để nhà máy được vào diện ưu tiên dùng điện lưới. Sau một thời gian nghiên cứu thí nghiệm ứng dụng tại công trình, chất thải khâu nấu bột của nhà máy chúng tôi đã được quyết định cung cấp ổn định cho công trình thủy điện Hòa Bình và cho phép nhà máy chúng tôi được sử dụng điện cao thế để phục vụ sản xuất giấy và phụ gia KĐT2 cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Cùng với nhân dân cả nước, chúng tôi đã góp phần xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà. Sự ra đời của nhà máy thủy điện sau 20 năm lao động kiên trì đã tạo lên bước ngoặt cho dòng sông Đà cũng như nguồn điện cho đất nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói tại lễ ngăn sông đợt hai: “ Công trình thủy điện to lớn này là thắng lợi của con người đối với thiên nhiên. Đây là thắng lợi của Sơn Tinh đối với Thủy Tinh trong câu chuyện thần thoại nổi tiếng của nước ta, đó là thắng lợi của con người xã hội chủ nghĩa thời đại Hồ Chí Minh”.
Đã gần 20 năm, nhà máy thủy điện đi vào sản xuất, vùng thượng lưu cũng như hạ lưu đã có những biến đổi to lớn chưa từng có. Những đứa trẻ sinh ra từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX về sau này chẳng bao giờ gặp lại những cảnh tượng của dòng sông đã trở thành ký ức của lớp chúng tôi ngày ấy.
Những năm gần đây, ở vùng hạ lưu sông Đà đã bắt đầu kè đá dọc hai bờ sông để mãi mãi không còn bên bồi, bên lở. Những tác động lớn và liên tục của con người vào sông Đà như đã thuần hóa con mãnh hổ nơi vườn thú. Không còn nghe tiếng gầm réo của thác lũ, tiếng xoáy nước vỡ ầm ào dội vào đêm mưa lũ. Có người nói: Hình như không còn dòng sông Đà nữa nhưng với chúng tôi sông Đà đã ở lại cùng mồ hôi, nước mắt của bao người, trong bê tông nhà máy thủy điện.