Theo số liệu điều tra năm 2010 của Sở VHTTDL Hòa Bình, hiện toàn tỉnh có 5.023 hộ gia đình lưu giữ cồng chiêng với số lượng 9.960 chiếc. Số lượng cồng chiêng hiện có tập trung chủ yếu tại các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Thành phố Hòa Bình. Trong đó, 1.403 chiếc có kích thước dưới 20 cm; 2.655 chiếc từ 21 - 30 cm; 3.016 chiếc từ 31 - 40 cm; 2.217 chiếc từ 41 - 50 cm; 680 chiếc từ 50 cm trở lên. Như vậy, so với lần kiểm kê trước (năm 1995 - 1996) số cồng chiêng Hòa Bình hiện có đã tăng gấp đôi. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo cồng chiêng đã được người dân Hòa Bình gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Hiện nay, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cồng chiêng có mặt ở tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình và là loại nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người Mường. Cồng chiêng gắn bó với họ từ khi ra đời cho đến khi về với đất mẹ. Cồng chiêng xứ Mường được vang lên trong các dịp lễ, tết, trong đám cưới, tang ma. Chiêng được dùng cho các phường sắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới, trong lễ mừng nhà mới; hay cho các đoàn đi săn, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản mường.... Tiến sĩ văn học người Pháp J. Cuisinier mô tả về cồng chiêng xứ Mường trong cuốn "Les Muong”: "Sáng sớm, người ta gõ cồng trong căn nhà chính để báo cho các vị thần linh rằng, người ta đang chuẩn bị để tiếp đón các vị... Người ta gõ cồng ở ngoài ruộng để cổ vũ người làm ruộng, để gọi những người dân chưa đi làm hãy mau ra giúp đỡ bạn bè...”.
Theo nghiên cứu của Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, âm nhạc cồng chiêng của người Mường có 16 bài: loóng 3, loóng 6, bông trắng bông vàng, đi đường, đắp phai, gọi ma... Một dàn chiêng Mường có từ 4, 5, 7, 9 chiếc; bộ hoàn chỉnh đầy đủ có 12 chiếc to nhỏ khác nhau, theo thứ tự từ chiêng 1, chiêng 2 cho đến chiêng 12. Chiêng 1 là cao nhất, chiêng 12 là trầm nhất. Theo quan niệm của người Mường, 12 chiếc trong dàn cồng chiêng là sự biểu thị của vòng tuần hoàn 12 tháng trong một năm. 12 chiếc được chia thành 3 nhóm: chiêng dàm (khầm), chiêng bồng, chiêng tlé. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Mường Hòa Bình Bùi Chí Thanh, trong quá trình sưu tầm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một chiếc chiêng người sử dụng có thể đánh được 4 tiếng: âm cao, âm trung, âm trầm và âm giữa trung (núm chiêng). Chiếc chiêng này do ông Bùi Văn Tiến ở xóm Cang, xã Bình Cảng (Lạc Sơn) đào được trong lúc làm vườn. Hiện, chiếc chiêng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.