Tôi xin mở đầu bài viết này bằng thông tin từ phong trào sáng tác của thiếu nhi mùa hè 2011. Năm nay, lần đầu tiên Giải thưởng Cây bút Tuổi Hồng của Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh do Hội đồng T.Ư Ðội TNTP Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên tiền phong phối hợp thực hiện được tổ chức trao giải. Cũng năm 2011, cuộc thi Em tập viết văn làm thơ lần thứ II do Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức cũng vừa kết thúc thành công. Ðược tham gia đọc các bài viết của các em trong hai cuộc thi, tôi có cơ hội hiểu thêm về trẻ em hôm nay. Thì ra, không phải tất cả trẻ em thờ ơ với văn học, vẫn có không ít em vui thích được sáng tác văn thơ, có viết cả trăm bài được đăng báo như em Ðỗ Tú Cường (TP Hồ Chí Minh), có em lại là cộng tác viên thường xuyên của báo Nhi Ðồng, như em Nguyễn Ðan Thi (Hà Nội). Có em mới 13 tuổi đã cầm bút viết thử vài chương tiểu thuyết...
Những bài viết nổi bật nhất của trẻ em hôm nay lại là những bài viết về tình cảm gia đình. Trong cuộc sống ở thế kỷ 21 những tiện nghi hiện đại đã thâm nhập và chi phối sinh hoạt của từng gia đình. Dường như quá trình đô thị hóa và nhịp sống gấp gáp của xã hội làm cho mối liên hệ tình cảm gia đình trở nên mong manh, lối sống vô cảm ích kỷ càng ngày càng nhiễm vào tâm hồn trẻ thơ. Cuộc sống sum vầy ông bà, con cháu càng ngày càng xa, càng nhạt... Vì thế, sự xuất hiện các bài văn Người ông nội của tôi (Phạm Bảo Ngọc, Hà Nội), Ông ngoại con (Thiều Ngọc Trâm, Hà Nội), bài thơ Ông em (Ðỗ Hoàng Quân, Hà Nội)... là sự thể hiện nỗi niềm khát khao của trẻ em. Hình ảnh "người ông" của các em nhỏ hôm nay là hình ảnh người ông cựu chiến binh, là anh bộ đội ngày xưa. Hình ảnh ông dậy sớm tập thể dục, ông kể chuyện chiến đấu, ông yêu vườn cây và dặn dò cháu giữ vườn cây, ông "dấm" quả hồng xiêm cho cháu, ông tiết kiệm và giản dị, giữ gìn từ cái mũ cũ đến thích những món ăn quê nhà... Tất cả các chi tiết đời thường ấy đã trở thành quý giá, trở thành vô giá trong đà phát triển ồ ạt của cuộc sống hiện đại khiến quan hệ giữa người với người xuất hiện một số tình huống khác trước, nhiều khi là lạnh lùng... Trong bối cảnh ấy, trẻ thơ cần tới tình cảm biết bao, các em cần tình người trong từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói. Có lẽ vì thế, hình ảnh người già được các em khắc đậm trong tâm trí, hiện ra rõ trong văn thơ các em. Phải chăng "người già" đang giữ lại bản sắc tình cảm Việt muôn đời trong tâm hồn trẻ thơ?
Các tác giả nhỏ tuổi hôm nay có vốn đọc phong phú và đa dạng hơn các thế hệ cầm bút trước đây. TS Nguyễn Thụy Anh và tôi đã thử hỏi ý kiến các em tham gia Trại sáng tác của Trung ương Ðoàn và Cung thiếu nhi Hà Nội về vấn đề "Nhân vật nào em yêu thích nhất?". Kết quả thu được thật phong phú, từ Ðô-rê-mon (Nhật Bản) đến Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, từ Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) đến Pipi tất dài (Thụy Ðiển), từ Remi trong Không gia đình (Pháp) đến Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh), từ Truyện cổ Andersen (Ðan Mạch) đến Harry Potter (Anh)... Có vốn đọc phong phú: vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa hiện thực vừa giả tưởng, vừa chan chứa lòng yêu nước lại vừa mở rộng sự cảm thông với trẻ em trên thế giới nên cách viết của các em bây giờ thể hiện một cách nhìn thẳng vào bản thân mình với tất cả hay, dở, sáng, tối... Ở đây tôi muốn nói về truyện ngắn Những chiếc kẹo trong đêm mưa của em Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên (Hà Nội). Ðây là một truyện ngắn có nhân vật chính không phải là "người già" mà là một câu bé và em trai nhỏ của cậu ta. Cậu bé trong truyện ngắn mở đầu câu chuyện bằng tình huống mẹ sinh thêm em bé, như vậy tình cảm của em đã bị chia sẻ. Cậu bé thể hiện tâm trạng ích kỷ, bực dọc, ghen ghét với em mỗi khi em được người lớn yêu chiều hơn mình. Tác giả nhỏ tuổi này chân thành giãi bày tâm lý bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ. Chính sự chân thành đó khiến cho đoạn kết câu chuyện thật cảm động, đầy thuyết phục. Việc chia sẻ cái kẹo theo cách rất ngây thơ của em bé trong đêm mưa với người anh làm cho người đọc thêm tin rằng, dù xã hội hiện đại đến đâu tình em anh, tình huyết thống vẫn bền chặt, vẫn gắn bó, vẫn là vĩnh viễn trong tình người Việt Nam.
Các em thiếu nhi hiện nay đã tìm được cách thể hiện được tình cảm, tâm hồn mình bằng những bài văn xuôi, nhưng các em đang gặp khó khăn với việc thử tập làm thơ. Dường như, đời sống tình cảm gia đình của thiếu nhi thời hiện đại đã bị thiếu hụt vốn sống văn hóa dân gian. Các em thiếu lời ru mộc mạc, thiếu câu hát đồng dao, thiếu câu tục ngữ vốn là câu nói "cửa miệng" của người thân trong gia đình. Thiếu đi cái nôi văn hóa dân gian, thì làm sao những bài thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ, năm chữ hồn nhiên kỳ diệu của tuổi thơ Trần Ðăng Khoa, của Phan Thị Thanh Nhàn, Ðịnh Hải, Võ Quảng, Phạm Hổ... lại có thể ra đời và sống mãi trong tâm hồn các thế hệ? Là những người đã sống nhiều năm với văn học trẻ em, chúng tôi hiểu rằng, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác thiếu nhi chưa hẳn là để phát hiện tác giả. Các em tập viết văn, làm thơ chưa phải để đến với một "nghề". Các em viết để tâm hồn mình đẹp hơn, chân thật hơn, thiện tâm hơn. Ðọc sáng tác của trẻ em là việc rất có ích với người lớn, trước hết là các bậc cha mẹ, để hiểu con mình hơn, với nhà văn là để hiểu đối tượng mà mình đang hướng đến. Và, với các nhà nghiên cứu là để "bắt mạch" được "nhịp tim non nớt" của thời đại mà mình đang sống.
Ở Việt Nam, các nhà văn tiên phong như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Ðoàn Giỏi, Vũ Tú Nam,... cùng các nhà lý luận văn học như Vũ Ngọc Bình, Văn Hồng, Vân Thanh... đều rất coi trọng sứ mệnh của văn học thiếu nhi. Ðó là văn học để bồi dưỡng nhân cách, xây dựng tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh cho trẻ em. Văn học thiếu nhi thời kỳ mở đầu rất coi trọng tính giáo dục, còn nhớ nhiều năm tháng, NXB Kim Ðồng chủ yếu in các loại sách được gọi chung là tủ sách Việc nhỏ nghĩa lớn. Loại sách đáng quý này đã góp phần xây dựng nhân cách cho các thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Cũng trong dòng sách này, đã có những tác giả đi sâu vào tâm lý tuổi học trò, giãi bày tâm tư tình cảm của lứa tuổi nhạy cảm này, những cuốn sách như vậy có sức sống với thời gian. Tuy nhiên, khi không khí xã hội đã thay đổi, việc trình bày nhân cách tốt theo kiểu sáo mòn, khiên cưỡng, lặp lại các bài học khuôn sáo dễ thiếu hấp dẫn bạn đọc, vì thế văn học thiếu nhi như chững lại. Và văn học thiếu nhi bắt đầu được chú ý trong thời kỳ đổi mới. Việc du nhập các tác phẩm dịch khiến "hàng ngoại", nhất là truyện tranh, một sản phẩm sách của thời đại nghe - nhìn chiếm lĩnh thị trường sách trẻ em. Việc trẻ em được đọc nhiều, rộng như vậy là một xu hướng tất yếu trong công cuộc phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sức tưởng tượng, sự thăng hoa của các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài đã khiến nhiều tác giả văn học thiếu nhi "nội" đuối sức, lúng túng trong tìm hướng phát triển. Vượt qua những khó khăn, trong những năm đổi mới vừa qua, văn học thiếu nhi đã có nhiều tác phẩm thu hút bạn đọc, một số tác giả mới xuất hiện với phong cách mới. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bộ sách Kính vạn hoa cùng hàng loạt tác phẩm Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... đã tạo nên những sự kiện sách trong công chúng, đồng thời cũng được giới chuyên môn ghi nhận. Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã đem lại cho văn học trẻ em Việt Nam một cách viết hoàn toàn mới, tác phẩm này cũng là một bước đi ra với thế giới sau dư âm từ Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài và Thơ Trần Ðăng Khoa. Bên cạnh đó, các cuộc vận động sáng tác của NXB Kim Ðồng, NXB Trẻ, và Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Ðan Mạch... đã là nguồn khích lệ tác giả xuất hiện. Ðội ngũ tác giả viết cho trẻ em đã có thêm một số tên tuổi mới: Nguyên Hương (Ðác Lắc), Lưu Thị Lương, Phương Trinh, Nguyễn Thị Bích Nga (TP Hồ Chí Minh), Quế Huơng (TP Ðà Nẵng)... là các tác giả có tới chục đầu sách, đoạt giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi. Gần đây, với sự nỗ lực của đội ngũ biên tập trẻ, các tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc sống hiện nay của các tác giả trẻ đã xuất hiện: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của Nguyễn Xuân Thủy, Nhật ký sẻ đồng của Phong Ðiệp, Tí chổi của Trang Thanh... Bên cạnh các tác giả trẻ có cả những nhà hoạt động văn hóa trẻ tuổi đi vào việc huớng dẫn trẻ em đọc sách như tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh với Câu lạc bộ Ðọc sách cùng con...
Trong tiến trình của nó, văn học trẻ em Việt Nam đã và đang luôn luôn đứng trước những thách thức lớn. Làm thế nào để hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em trở về say sưa với những trang văn thấm đẫm chất Việt mang sức sống của thời hiện đại? Ở đây một lần nữa nhận thức về ý nghĩa của văn học trẻ em được đặt ra. Dẫu đời sống xã hội có nhiều tiện nghi hiện đại hơn, dẫu trẻ em hiện nay có rất nhiều cơ hội để vượt qua "lũy tre làng", vượt qua biên giới lãnh thổ của đất nước, vượt ra biển lớn, đi vòng quanh thế giới chăng nữa thì các em vẫn là những đứa con "máu đỏ da vàng" của dân tộc. Các em vẫn nhớ ông, nhớ bà, nhớ cha, nhớ mẹ, các em vẫn cần tình anh, tình chị, tình em... Dẫu trẻ em ngày nay có quen với bánh ga-tô, kẹo sô-cô-la, bánh pizza, gà rán KFC, nước giải khát coca cola,... các em vẫn thèm nhất là bát cơm thơm dẻo do bàn tay người mẹ, người cha chăm sóc. Tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ vẫn là điều trẻ em cần nhất, phải chăng đó chính là điều mong muốn của bạn đọc với các nhà văn, các nghệ sĩ hiện nay. Văn học trẻ em đang mong mỏi các tác giả tâm huyết và chung thủy để làm rường cột cho một phong trào lớn.