Huyện Lạc Sơn - vùng đất cổ Mường Vang là một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), có gần 14 vạn người với trên 90% là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện đã có những chuyển biến tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến vùng sâu, vùng xa, đây là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc. Để tổ chức tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Lạc Sơn đã đã không ngừng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, có hiệu quả; từ việc hỗ trợ đạo cụ, loa đài, trang phục... tới việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng công phu nhiều loại hình nghệ thuật có nội dung phong phú, chất lượng cao. Nhiều hội thi, liên hoan văn nghệ được huyện tổ chức vào các dịp lễ, tết đã diễn ra rất sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, Phòng VH-TT và Trung tâm VH - TT huyện đã phối hợp với các xã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nòng cốt, hạt nhân văn nghệ cơ sở, trong đó chú trọng việc hướng dẫn, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hoá, văn nghệ đặc sắc truyền thống của dân tộc.
Nét đặc biệt trong phong trào văn nghệ của huyện Lạc Sơn là có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát hoặc từ các tổ, đội văn nghệ; kể cả khi gặp khó khăn, thiếu thốn về điều kiện hoạt động hay cơ sở vật chất. Vì thế, mỗi tiết mục nghệ thuật quần chúng luôn đậm chất quê hương, trong sáng và chân thật, phù hợp để thỏa mãn niềm say mê ca hát, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng dân cư. Ông Bùi Thiên Văn, cử nhân văn hóa, Cụm trưởng Cụm Văn hóa Mường Vang cho biết: Lạc Sơn là huyện duy nhất của tỉnh có sáng kiến thành lập Cụm văn hóa Mường Vang từ tháng 10/1999. Cụm văn hóa Mường Vang ra đời đã tập hợp được các nghệ nhân văn hóa dân gian tham gia hoạt động, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ tại các xóm, bản ở 7 xã trong vùng. Sau những ngày lao động vất vả trên nương, dưới ruộng, người nông dân Mường Vang lại hội tụ về nhà văn hóa trung tâm của cụm để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Tiếng cồng, tiếng chiêng trầm bổng hòa quyện trong làn điệu dân ca, trong điệu múa uyển chuyển của các mế, các chị khiến không khí bản mường vui như ngày hội. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 tuyên truyền viên, 373 đội văn nghệ xóm bản, mỗi năm huyện tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền; dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trên địa bàn. Các chương trình, tiết mục của mỗi đội đều có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước; thể hiện được nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Hàng năm tại các địa phương còn thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ, chiếu phim... phục vụ người dân, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn. Nhờ đó, qua những buổi giao lưu, người dân còn được học hỏi, trao đổi thêm về kiến thức xã hội, về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, tiếp thu các nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đồng thời tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân trong lao động sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc. Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục tục triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả NQT.Ư 5 (khóa VIII). Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa quê hương, nhất là đối với thế hệ trẻ Mường Vang./.