Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về rà soát, dự báo các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 khó đạt đánh giá: Kết quả kinh tế xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả nhất định tuy nhiên một số chỉ tiêu đạt thấp so với kết hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 0,73%, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; công nghiệp – xây dựng giảm 2,05%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm giảm 2,68%, đó là mức thấp trong nhiều năm qua. Thu NSNN khó khăn, trong 6 tháng đầu năm thu NSNN đạt 26% dự toán của HĐND tỉnh, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất và thu từ bán tài sản dôi dư chỉ đạt 2,4% kế hoạch năm. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp, chỉ đạt 14% so với kế hoạch vốn đã giao cho các dự án. Tỷ lệ người tham gia BHYT còn phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trên cơ sở báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, dự báo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu năm 2023 sẽ có 07/19 chỉ tiêu ước không đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng đầu tư toàn xã hội, tổng thu NSNN, năng xuất lao động, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Có 11/19 chỉ tiêu ước thực hiện đạt kế hoạch. 01 chỉ tiêu ước thực hiện vượt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.
Để đạt được kết quả cao nhất đối với 07 chỉ tiêu dự báo khó đạt, thời gian tới cần tập trung theo dõi tiến độ thu thuế, phấn đầu hoàn thành 100% chỉ tiêu thu từ thuế, phí theo chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, tập trung tháo gỡ khó khăn về GPMB, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thi công công trình. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ; Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu du lịch....
Tại hội nghị, các huyện, thành phố, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo làm rõ thêm tình hình kinh tế xã hội địa phương. Trong đó, đa phần các địa phương đang gặp khó khăn trong thu NSNN, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm; công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ...
Hội nghị cũng đã cho ý kiến vào một số nội dung khác như: Tờ trình của Sở Nông nghiệp và PTNT về dự thảo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Tờ trình của Sở Tư pháp về việc ban hành quy chế phối hợp giải quyết việc nuôi con có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh; Đề án của UBND thành phố về tập trung lãnh đạo xây dựng thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II thuộc tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch tổ chức phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2023....
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với nội dung các tờ trình, dự thảo được trình tại cuộc họp; giao cơ quan chuyên môn tiếp thu, hoàn thiện. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nguồn đất đắp cho các công trình. Đối với các dự án trọng điểm, các sở, ngành chủ động, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi rừng để sớm triển khai thực hiện. Đối với các dự án chậm tiến độ, tiếp tục triển khai quy trình xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Về nhiệm vụ sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, đề nghị các huyện chưa hoàn thành, chủ động rà soát, cố gắng sắp xếp cán bộ theo đúng quy định. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố quan tâm các biện pháp phòng, chống thiên tai, mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra... /.