DetailController

Kinh tế

Ủy ban Dân tộc trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

25/04/2022 00:00
Sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Dân tộc trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

Cử tri kiến nghị: “Đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn 135 cho các xã khu vực III năm 2021”

Trả lời:

Tại Văn bản số 2021/UBDT ngày 21/12/2021 Ủy ban Dân tộc đã trả lời như sau:

Chương trình 135 là dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Chương trình đã kết thúc.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo hướng tích hợp các chính sách dân tộc hiện hành, trong đó có Chương trình 135. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình  (giai đoạn 2021 2025): 137.664,959 tỷ đồng; bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương: 104.954,011 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 50.629,163 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỷ đồng). Vốn ngân sách địa phương: 10.016,721 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng. Vốn huy động khác: 2.967,207 tỷ đồng. Theo đó, Chương trình có 10 Dự án, gồm: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; Dự án 2: Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban Dân tộc hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình ; Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình; Bộ Kế hoạch Đầu tư đang chủ trì xây dựng Nghi định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý đối với chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó xác định cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiệnb các chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình và Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp phương án phân bổ vốn cho Chương trình để ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phân bổ vốn cho địa phương để triển khai thực hiện./.