Các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm ưu tiên thực hiện chuỗi giá trị như: Cây ăn quả có múi với diện tích hơn 10.700ha, gạo chất lượng cao với sản lượng hơn 100.000 tấn/năm, rau các lọai với diện tích gần 13.000 ha, mía ăn tươi với tổng diện tích trên 5.300 ha, cây dược liệu, hương liệu với tổng diện tích khoảng 1.700 ha; cá sông Đà với 4.700 lồng; các loại gia súc, gia cầm.
Tỉnh Hòa Bình có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng và vật nuôi đặc sản có thế mạnh của vùng như: Cây ăn quả có múi, mía tím, chè shan tuyết, cây rau các loại, chăn nuôi lợn bản địa. Nhiều vùng, khu vực sản xuất có đất đai màu mỡ, có nguồn đất, nguồn nước không bị ô nhiễm, cách biệt với nguồn ô nhiễm từ bên ngoài, đảm bảo để sản xuất canh tác hữu cơ. Thực hiện Nghị định số 109/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo triển khai xây dựng đề án. Qua khảo sát, đánh giá, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; rà soát, xác định vùng, khu vực sản xuất hữu cơ trong trồng trọt của 7/10 huyện, thành phố. Trong đó tổng hợp: Tổng diện tích có khả năng sản xuất trồng trọt hữu cơ được đề xuất là 3.197,5 ha. Các cây trồng được đề xuất sản xuất hữu cơ rất đa dạng gồm: Gạo đặc sản, cây có múi (cam, bưởi), rau các loại, chuối, mía tím, thanh long, cây dược liệu, na, gừng, khoai sọ…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 09 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, 01 hợp tác xã và 01 liên nhóm chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS trong trồng trọt, 01 doanh nghiệp chăn nuôi chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, hiện chưa có chứng nhận hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản. cụ thể: Có 04 HTX, 02 tổ hợp tác và 01 công ty trồng rau các loại được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, với diện tích là 17,1 ha, sản lượng 335 tấn/năm. 01 HTX và 01 nông trại trồng quả các loại được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam với quy mô 23,8 ha, sản lượng 413 tấn.
Diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam và chứng nhận PGS của tỉnh tăng từ 9,8 ha năm 2018 lên đến 66,3 ha năm 2020. Các sản phẩm trồng trọt hữu cơ được chứng nhận bao gồm: sản phẩm rau đậu các loại, sản phẩm quả có múi, ổi. Một số đơn vị sản xuất tiêu biểu của tỉnh như: Liên nhóm hữu cơ huyện Lương Sơn, Công ty Nông nghiệp hữu cơ Hòa Bình, Nông trại hữu cơ Linh Dũng. Ngoài một số diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận, còn nhiều diện tích sản xuất đang theo hướng hữu cơ hoặc đang trong thời gian chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn ít, các khu vực sản xuất hữu cơ bước đầu ở dạng mô hình, với diện tích sản xuất nhỏ, đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm. Kinh phí còn hạn hẹp, khiêm tốn do vậy quy mô sản xuất còn nhỏ.
Với những thành công bước đầu trên, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định 2987/2019 của tỉnh Hòa Bình phê duyệt phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất trồng trọt hữu cơ. Tham mưu ban hành các tiêu chuẩn cơ sở sản xuất trồng trọt hữu cơ đối với cây trồng chưa ban hành tiêu chuẩn quốc gia, làm căn cứ sản xuất trồng trọt hữu cơ bền vững; ưu tiên các cây trồng như cây có múi, cây dược liệu….Tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành. Tập trung các cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như: Nhóm cây có múi, nhóm rau ăn lá, nhóm rau ăn quả, mía, chè, chuối, thanh long, gạo đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…song song với đó là đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các điểm bán sản phẩm hữu cơ./.